Thanh tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Thứ hai, 10/08/2020 10:04
(ThanhtraVietNam) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) bắt buộc. Trong đó, quy định Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về vấn đề này.

Hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/người đối với chữa bệnh nghề nghiệp

Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động; người lao động phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN; hoạt động hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; quản lý Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện các chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc.

Trong đó, Nghị định quy định cụ thể về hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám BNN cho người lao động theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện: Có thời gian đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám BNN cho người lao động; đã được phát hiện BNN tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về mức hỗ trợ kinh phí khám BNN, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám BNN tính theo biểu giá khám BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám BNN sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.

Còn người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa BNN theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau: Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa BNN; đã tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa BNN; có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí chữa BNN bằng 50% chi phí chữa BNN tính theo biểu giá chữa bệnh tại thời điểm người lao động chữa BNN theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.

leftcenterrightdel
 Mức hỗ trợ tối đa trong khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp mới được Chính phủ quy định.

Giải quyết KNTC theo quy định của pháp luật

Chương V của Nghị định quy định về quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người sử dụng lao động. Riêng về công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN; giải quyết KNTC về bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật. Báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất với Chính phủ việc triển khai chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đảm bảo chất lượng khám, điều trị nghề nghiệp và phục hồi chức năng nghề nghiệp; giải quyết KNTC của tổ chức, cá nhân về việc khám, điều trị nghề nghiệp và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.

Cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền kiểm tra việc đóng, hưởng các chế độ hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động; đồng thời có trách nhiệm giải quyết KNTC về việc thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN trên địa bàn và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; giải quyết KNTC về bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật; quyết định thu hồi các khoản tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN khi phát hiện người sử dụng lao động, người lao động không đủ điều kiện được nhận hỗ trợ theo các quyết định tương ứng do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành quy định tại Chương III của Nghị định này; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Y tế giải quyết KNTC của tổ chức, cá nhân về việc khám, chữa bệnh nghề nghiệp và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2020. Người đang hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ, BNN; người bị TNLĐ, BNN điều trị xong, ra viện trước ngày 01/7/2016 thì vẫn thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chế độ TNLĐ, BNN ban hành trước ngày 01/01/2016.

Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực (15/9/2020)./.

Minh Nguyệt

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra