Tối đa hóa các bước thực hiện thủ tục hành chính
Nghị định đưa ra quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC điện tử rất cụ thể. Sau khi kiểm tra, nếu bảo đảm các điều kiện để tiếp nhận, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận, cấp mã hồ sơ TTHC và xử lý hồ sơ theo quy trình quy định. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, cán bộ, công chức, viên chức thông báo cho tổ chức, cá nhân biết thông qua tài khoản của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, các kênh thông tin tổ chức, cá nhân đăng ký và hướng dẫn đầy đủ, cụ thể một lần để công dân, tổ chức bổ sung đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu. Cán bộ, công chức, viên chức thông báo về việc tiếp nhận chính thức hoặc yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ cho tổ chức, cá nhân không muộn hơn 8 giờ làm việc kể từ khi hệ thống tiếp nhận.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), về cơ bản, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử chúng ta đã triển khai áp dụng thí điểm từ lâu. Điển hình nhất là việc thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư triển khai rất tốt khi chúng ta chỉ việc ngồi soạn thảo hồ sơ tại nhà. Hay như Tổng cục Thuế đã triển khai mô hình khai báo, nộp thuế qua mạng, giảm thiểu rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp so với những năm đầu năm 2000…
Từ những năm 2000, Đảng, Nhà nước ta đã luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…”.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, môi trường điện tử là môi trường trong đó thông tin được tạo lập, cung cấp, trao đổi, thu thập, xử lý, lưu trữ thông qua mạng Intenet, mạng máy tính, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Theo đó cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành toàn bộ hoặc một số bước thực hiện TTHC, thủ tục giải quyết công việc bằng phương tiện điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến. Hoạt động này mang tính chất phục vụ nhân dân nhiều hơn, hiệu quả của hoạt động hành chính xét dưới góc độ cung cấp dịch vụ công được đánh giá bằng mức độ hài lòng của người dân và chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, với việc quy định những thông tin nào người dân phải cung cấp, không được đòi hỏi hay vời vĩnh những thông tin không quy định sẽ giúp giảm thiểu thời gian cho công dân, doanh nghiệp và người lao động khi truy nhập và sử dụng dịch vụ của chính phủ và do đó giảm thiếu chi phí của nhân dân. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động của Chính phủ. Đối với Chính phủ sẽ giảm “nạn giấy tờ” văn phòng – công sở, tiết kiệm thời gian, hợp lý hoá việc vận hành công việc, cho phép các cơ quan Chính phủ cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hơn và giảm ngân sách chi tiêu của Chính phủ.
Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng
Một điểm đáng chú ý, Nghị định quy định rất rõ những hành vi không được làm của cán bộ, công chức, viên chức khi tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử như: Cản trở việc lựa chọn phương thức thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của tổ chức, cá nhân; yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp giấy tờ, tài liệu bằng văn bản giấy để xác minh, kiểm tra đối với các thành phần hồ sơ đã được ký số và ghi nhận tính pháp lý trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Can thiệp trái phép vào quá trình thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, bao gồm: truyền, thu thập, xử lý, gửi hoặc thông báo kết quả xử lý hồ sơ, giao dịch thanh toán; can thiệp trái phép, làm sai lệch dữ liệu hồ sơ, giao dịch thanh toán, kết quả xử lý TTHC; tiết lộ thông tin, sao chép dữ liệu trái thẩm quyền. Gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép danh tính điện tử của tổ chức, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền. Các hành vị bị cấm khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức trên môi trường điện tử.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) - Ảnh: L.A
Bàn rõ hơn, Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh, để hạn chế quyền lực nhà nước, các quốc gia áp dụng và thực thi những phương thức hạn chế quyền lực nhà nước từ bên trong như Hiến pháp và hệ thống luật pháp, tổ chức bộ máy theo các hình thức phân quyền và cơ chế kiềm chế, đối trọng quyền lực khác nhau. Trong đó, công khai, minh bạch được coi là một trong những phương thức hạn chế quyền lực nhà nước từ bên ngoài. Nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực công phải công khai, minh bạch hoạt động của mình với toàn thể xã hội và công chúng. Do đó, khi Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành, người dân có thể nắm rõ quy trình cũng như quyền và nghĩa vụ của cán bộ công chức trong việc thực hiện TTHC điện tử để giám sát theo quy định.
Như vậy, việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được thực hiện hợp pháp, hợp lý, khoa học; bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, an toàn thông tin và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, lấy tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện TTHC trên môi trường điện tử làm trung tâm, bảo đảm ngôn ngữ, phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách TTHC. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Nghị định ra đời vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra đường nhưng vẫn phải quyết đầy đủ các TTHC./.
Lan Anh