Trong thời gian vừa qua, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tại các tỉnh, thành phố có nhiều diễn biến phức tạp, các đoàn khiếu kiện đông người có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, tình trạng các công dân trong cùng một dự án hoặc các công dân khiếu kiện đơn lẻ không đạt mục đích liên kết lại với nhau tạo thành đoàn đông người kéo lên Trung ương để gây sức ép, yêu cầu được giải quyết.
Đa số các đoàn công dân khiếu kiện phức tạp, đông người liên quan đến những vụ việc cũ, kéo dài nhiều năm, đã được nhiều cơ quan tiếp, đối thoại nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu kiện với thái độ ngày càng bức xúc, gay gắt.
Thuật ngữ “đông người”, “phức tạp”, “bức xúc”, “kéo dài” được nói đến nhiều và được sử dụng nhiều trong các văn bản của cơ quan hành chính nhà nước, tuy nhiên, hiện nay theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa có khái niệm và các tiêu chí để phân loại việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Trong khi đó, các việc khiếu nại, tố cáo thuộc loại này luôn “tiềm ẩn” nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nếu vụ việc không được giải quyết một cách thấu đáo, đúng quy định của pháp luật.
Vậy “đông người”, “phức tạp”, “bức xúc”, “kéo dài” là như thế nào? Hiểu thế nào cho đúng?
Về đoàn đông người: Điều 29, Luật Tiếp công dân năm 2013, quy định về việc cử người đại diện khi đoàn công dân khiếu kiện về một nội dung, theo đó, nếu có từ 5 đến 10 người thì cử một hoặc hai người đại diện; trường hợp có trên 10 người thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 5 người. Như vậy, ở đây hiểu là, đoàn đông là đoàn công dân khiếu kiện có từ 5 người trở lên.
Trước đây, có một số quan điểm về tiêu chí xác định các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài, cụ thể:
Về tiêu chí “bức xúc”: công dân, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan liên tục có đơn khiếu nại, công dân có đơn tố cáo hoặc thường xuyên đến địa điểm tiếp công dân của cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương để khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính; tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật; tính chất bức xúc thể hiện ở việc liên tục có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Tiêu chí “phức tạp”: vụ việc khiếu nại, tố cáo còn có các ý kiến khác nhau giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương; vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa giải quyết được do cần phải xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của cấp trên; vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo theo đúng quy định pháp luật, đã có hiệu lực thi hành nhưng không tổ chức thi hành được do có khó khăn, vướng mắc.
Đối với tiêu chí” “tồn đọng”, “kéo dài”: vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết theo quy định pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo; hoặc quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo không được tổ chức thực hiện hoặc tổ chức thực hiện chưa đúng hoặc không tổ chức thi hành được do có khó khăn, vướng mắc. Vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo nhưng việc giải quyết chưa đúng quy định của pháp luật; vụ việc đã quá thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật nhưng chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo.
Một hoạt động tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: P.PV&BT
Ngoài ra, còn có quan điểm dựa trên kết quả và thẩm quyền giải quyết để xác định, theo đó, vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài là vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc một trong các trường hợp:
Vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhưng người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo liên tục có đơn khiếu nại, tố cáo.
Vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo có hiệu lực thi hành nhưng có căn cứ cho rằng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đúng với quy định của pháp luật; vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được xem xét, giải quyết, chưa giải quyết hết nội dung hoặc quyết chưa đứng trình tự, thủ tục người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo liên tục khiếu nại, tố cáo.
Gần đây, tại Kế hoạch 363/KH-TTCP để kiểm tra, rà soát giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, TTCP thống nhất tiêu chí để xác định các nhóm vụ, việc này như sau:
Thứ nhất, vụ việc khiếu nại, tố cáo được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết nhưng trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc, công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo.
Thứ hai, vụ việc khiếu nại đã được cơ quan hành chính giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại.
Thứ ba, vụ việc tố cáo đã được cơ quan hành chính giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục tố cáo.
Và cuối cùng là vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người hoặc đơn lẻ nhưng người khiếu nại, tố cáo có những hành vi quá khích, vi phạm pháp luật hoặc bị kẻ xấu xúi giục, kích động gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.
Có thể thấy, việc Thanh tra Chính phủ thống nhất đưa ra quan điểm về tiêu chí xác định vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, bức xúc, tồn đọng, kéo dài đã giúp cho cơ quan giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng thống nhất, phục vụ cho công tác quản lý, giải quyết, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc nhóm này, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần ổn định tình hình, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội./.
Lan Anh