Vừa qua, tại trụ sở Công an quận Đồ Sơn, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao đã triển khai thông báo về việc khởi tố bị can, tạm giam đối với một Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy; một Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (đều thuộc Công an quận Đồ Sơn) để điều tra hành vi "làm sai lệch hồ sơ vụ án".
Vụ việc trên xuất phát từ việc ngày 13.11.2020, cán bộ chiến sĩ Đội Điều tra tổng hợp và Quản lý hành chính về trật tự xã hội của quận đã phát hiện tại quán karaoke Hải Sơn 86, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn có nhiều đối tượng đang có dấu hiệu phê, lắc ma túy. Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 25/28 đối tượng dương tính với ma túy. Tuy nhiên, trong khi một cán bộ Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Đồ Sơn đang thực hiện việc xét hỏi thì nhận được "lệnh" của cấp trên phải dừng lại, sau đó, đêm 13.11.2020, những người ở quán karaoke Hải Sơn 86 được thả về nhà.
Sau dấu hiệu của sự việc bị dừng xét hỏi và thả người có biểu hiện hành vi vi phạm thiếu căn cứ, một cán bộ Đội Điều tra tổng hợp và Quản lý hành chính về trật tự xã hội lúc đó mạnh dạn tố cáo sai phạm của đồng đội và từ chối nhiều lời "đề nghị" rút đơn, thậm chí cả dấu hiệu "mua chuộc".
Viện KSND tối cao tiến hành dẫn giải cán bộ Công an Q.Đồ Sơn bị khởi tố. Ảnh:KTV
Nội dung tố cáo đang được các cơ quan chức năng nắm tình hình thì Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã thông báo khởi tố bị can đối với một số cán bộ Công an quận Đồ Sơn nói trên.
Với chức năng nhiệm vụ về quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện KSND tối cao chắc chắn sẽ tiến hành các hoạt động tiếp theo để làm rõ dấu hiệu vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan một cách nghiêm minh.
Về phía dư luận, nhiều ý kiến cho rằng nguyên Thiếu tá T.V.K cán bộ chiến sĩ Đội Điều tra tổng hợp và Quản lý hành chính về trật tự xã hội của quận Đồ Sơn cần được ngành Công an tạo điều kiện để quay trở lại ngành. Bản thân người tố cáo dù muốn hay không cũng đang có những áp lực, lo sợ về những giả thuyết đặt ra trong vấn để trả thù người tố cáo.
Theo nhìn nhận của Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, ông T.V.K sau khi làm đơn xin ra khỏi ngành thì đã trở thành một công dân bình thường, vì vậy khi muốn được tuyển dụng lại vào ngành Công an thì điều bắt buộc trước cần đạt đủ các tiêu chí sau: Tiêu chuẩn chính trị, Phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, trình độ khoa học kỹ thuật, tuổi đời, sức khỏe, năng khiếu. Đặc biệt, quy định về độ tuổi đối với công dân ứng tuyển vào ngành Công an theo quy định tại Thông tư 30/2009/TT-BCA là từ 18 đến 30 tuổi. Các trường hợp tốt nghiệp đại học hệ chính quy hạng giỏi, xuất sắc, trình độ Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp A1, Cấp 2 có thể tuyển đến 35 tuổi; có chức danh giáo sư, phó giáo sư, trình độ Tiến sĩ có thể tuyển đến 45 tuổi, trường hợp đặc biệt có độ tuổi cao hơn do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định. Trường hợp nguyên Thiếu tá T.V.K đã làm việc trong ngành Công an 19 năm, nhưng chưa rõ học vị, học hàm vì thế nếu không thuộc trường hợp đặc biệt thì không thể được tuyển trở lại ngành do quá độ tuổi quy định.
Luật sư Hùng cho biết thêm, về văn bản tuyển dụng đối với lực lượng vũ trang là không công khai, đây là đặc thù của ngành công an, quân đội. Do đó, luật sư không tìm hiểu được về công tác tổ chức cán bộ của lực lượng công an. Việc đồng chí này có trở lại ngành công an công tác được hay không, không chỉ phụ thuộc vào Bộ luật Lao động, Luật Công an nhân dân, các văn bản do Chính phủ ban hành mà còn phụ thuộc lớn vào thuộc các văn bản nội bộ của Bộ Công an, trong trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ công an.
Về vấn đề khác mà dư luận quan tâm về giả thuyết người tố cáo có thể bị trả thù, TS. Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ từng chia sẻ, việc bảo vệ người tố cáo, đặc biệt là tố cáo những người có chức vụ, quyền hạn và tố cáo những hành vi tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp vì các mánh lới, hình thức trả thù rất đa dạng của người bị tố cáo. Đây là trách nhiệm của rất nhiều cơ quan liên quan.
Theo TS. Minh, mặc dù pháp luật có quy định rất cụ thể về việc bảo vệ người tố cáo, tuy nhiên, từ phía nào, xảy ra khi nào, từ đâu thì không ai có thể xác định được. Chỉ khi nào người tố cáo bị đe dọa, lúc đó người tố cáo có căn cứ cho rằng mình bị trả thù bằng cách này, cách khác thì có thể làm đơn đề nghị các cơ quan thực hiện các biện pháp bảo vệ.
Thực tế cho thấy, việc tố cáo xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Người tố cáo rất dũng cảm, người ta phải đối diện với nguy cơ trả thù, trù dập rất lớn nhưng vẫn kiên trì và dũng cảm, chấp nhận cả sự trả thù nghiệt ngã để đấu tranh vì công lý và lẽ phải.
Cũng theo TS. Minh, ngoài trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong vấn đề này rất cao, còn đòi hỏi sự chia sẻ, cảm thông, động viên, khích lệ từ phía xã hội, đặc biệt về mặt tinh thần. Nếu không làm được điều này, mọi người sẽ rất thờ ơ với các hành vi vi phạm, chúng ta sẽ bỏ lỡ mất một nguồn thông tin rất lớn, rất quý để giúp phát hiện ra hành vi vi phạm để xử lý kịp thời./.
Điều 30, Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi công dân đều có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan tổ chức cá nhân (khoản 1 Điều 30), nghiêm cấm việc trả thù người tố cáo hoặc lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác (khoản 3 - Điều 30 - Hiến pháp năm 2013).
Luật Tố cáo năm 2018 có Chương VI, gồm 12 điều quy định cụ thể việc bảo vệ người tố cáo nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của Nhà nước, thể hiện cụ thể và sinh động bản chất của Nhà nước ta của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
P.V