Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tiếp công dân định kỳ vào ngày 20 hàng tháng

Thứ ba, 17/03/2020 09:14
(ThanhtraVietNam) – Đó là quy định về thời gian tiếp công dân tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam được quy định tại Quyết định số 378/QĐ-BHXH ngày 11/3/2020 về Quy trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của BHXH Việt Nam.

Cụ thể, tại Điều 7 Chương II quy định cụ thể về địa điểm tiếp công dân và tổ chức tiếp công dân. Trong đó, cơ quan BHXH các cấp phải bố trí phòng tiếp công dân riêng tại vị trí thuận tiện, có nơi để công dân ngồi chờ, đảm bảo khang trang, lịch sự, có đủ các điều kiện cần thiết cho việc tiếp công dân; không tiếp công dân tại phòng làm việc của công chức, viên chức.

Tại phòng tiếp công dân phải thực hiện niêm yết nội quy tiếp công dân: Phải quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người tiếp công dân, quyền, nghĩa vụ của công dân, các hành vi nghiêm cấm trong tiếp công dân; hướng dẫn về quy trình tiếp công dân, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật; công khai lịch tiếp công dân của Lãnh đạo, thời gian thường trực tiếp công dân và công bố trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan.

Về tổ chức tiếp công dân, tại BHXH Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra có trách nhiệm giúp Tổng Giám đốc tổ chức thực hiện việc tiếp công dân của BHXH Việt Nam. Biên chế viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân do Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra bố trí trong biên chế được giao của Vụ Thanh tra - Kiểm tra.

Tại BHXH tỉnh, Trưởng phòng Phòng Thanh tra - Kiểm tra có trách nhiệm giúp Giám đốc BHXH tỉnh tổ chức thực hiện việc tiếp công dân của BHXH tỉnh. Giám đốc BHXH tỉnh bố trí ít nhất một viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thuộc biên chế được giao của Phòng Thanh tra - Kiểm tra.

Tại BHXH huyện, Giám đốc BHXH huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc tiếp công dân của BHXH huyện và bố trí ổn định một viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân thuộc biên chế được giao của BHXH huyện.

Điều 8 Chương II quy định về thời gian tiếp công dân. Cụ thể, cơ quan BHXH các cấp tổ chức tiếp công dân thường xuyên vào các ngày làm việc trong tuần.

Tại BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc tiếp công dân định kỳ vào ngày 20 hàng tháng, nếu ngày 20 trùng vào ngày nghỉ tết, ngày lễ, ngày nghỉ hàng tuần thì thực hiện vào ngày làm việc kế tiếp. Trường hợp Tổng Giám đốc bận vì lý do công việc thì phân công Phó Tổng Giám đốc thực hiện tiếp công dân. Thủ trưởng các đơn vị chuyên môn, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp phối hợp tiếp công dân theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra.

leftcenterrightdel
 Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh tiếp công dân định kỳ (ảnh internet)

Tại BHXH tỉnh, Giám đốc BHXH tỉnh tiếp công dân định kỳ mỗi tháng ít nhất 01 ngày. Trường hợp Giám đốc bận vì lý do công việc thì phân công Phó Giám đốc thực hiện tiếp công dân. Trưởng các Phòng nghiệp vụ phối hợp tiếp công dân theo đề nghị của Trưởng phòng Phòng Thanh tra - Kiểm tra.

Tại BHXH huyện, Giám đốc BHXH huyện tiếp công dân định kỳ mỗi tháng ít nhất 02 ngày. Trường hợp Giám đốc bận vì lý do công việc thì phân công Phó Giám đốc thực hiện tiếp công dân.

Ngoài việc tiếp công dân định kỳ như quy định nêu trên, Thủ trưởng cơ quan tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp: Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; khi có yêu cầu khẩn thiết theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra/Trưởng phòng Phòng Thanh tra - Kiểm tra/viên chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân.

Trong việc tiếp công dân, Thủ trưởng cơ quan BHXH các cấp căn cứ quy định của pháp luật về tiếp công dân để ban hành nội quy tiếp công dân; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc tiếp công dân; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tiếp công dân; bảo đảm an toàn, trật tự trong việc tiếp công dân.

Đồng thời, trực tiếp tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định nêu trên; lắng nghe, xem xét và chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền. Thông qua việc tiếp công dân để nắm bắt tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cấp dưới. Qua đó, có biện pháp kiểm tra, đôn đốc cấp dưới trong công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Khi tiếp công dân, nếu vụ việc rõ ràng, có cơ sở cụ thể và thuộc thẩm quyền giải quyết thì phải có ý kiến trả lời công dân. Nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu xem xét thì thông báo thời hạn giải quyết và người cần liên hệ tiếp để biết kết quả giải quyết./.

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra