Xử phạt hành chính và thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Thứ ba, 01/11/2022 17:01
(ThanhtraVietNam) - Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2022 được các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá bao quát được phạm vi quản lý nhà nước và nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của nhiều cơ quan trong xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp không phép sẽ bị phạt 40 triệu đồng

Tại Điều 6, nghị định mới quy định, phạt tiền đối với hành vi thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phân hiệu của trường cao đẳng, trường trung cấp; văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các mức phạt: Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp; từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường trung cấp, phân hiệu của trường trung cấp; từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường cao đẳng, phân hiệu của trường cao đẳng và có thể đến mức 100.000.000 đồng đối với văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Điều 10 về vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh, với các hành vi không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh. Hay thu nhận hồ sơ tuyển sinh, tổ chức thi hoặc xét tuyển khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc khi chưa thực hiện báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về các điều kiện bảo đảm tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo theo quy định. Hoặc thực hiện tuyển sinh các ngành, nghề đào tạo nhưng không đáp ứng đủ điều kiện tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo theo quy định, có thể bị xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Vi phạm đào tạo liên thông, có thể bị đình chỉ đến 24 tháng

Nghị định mới cũng quy định hình thức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đào tạo liên thông không đủ điều kiện theo quy định.

Tiếp đó, phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về liên kết đào tạo theo các mức phạt sau: Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng liên kết đào tạo không đủ các nội dung thực hiện liên kết đào tạo; quyền, trách nhiệm của đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp liên kết đào tạo theo quy định; từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết đào tạo theo quy định; từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo không bảo đảm đủ điều kiện liên kết đào tạo theo quy định.

Đồng thời, hình thức xử phạt bổ sung có thể đình chỉ hoạt động đào tạo liên thông có thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với ngành, nghề đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe hoặc đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với ngành, nghề đào tạo khác khi có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

leftcenterrightdel
 Nhiều quy định mới về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ được áp dụng từ 12/12/2022. Ảnh: T.A

Cấp văn bằng, chứng chỉ không đúng thời hạn bị xử phạt đến 30 triệu đồng

Điều 22, nghị định mới nêu rõ: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cấp phát văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ không đúng thời hạn; thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ của người học không đúng quy định.

Mức phạt tăng lên từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự; cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng mẫu quy định; cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng thẩm quyền theo quy định.

Tương tự, mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ.

Phạt 15 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học

Đáng chú ý, vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận về vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học hay vi phạm quy định về chính sách đối với người học được quy định rõ tại Điều 30, Nghị định 88/2022/NĐ-CP.

Theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về chính sách đối với người học.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm tùy mức độ còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; Buộc xin lỗi công khai người học bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trừ trường hợp người học hoặc người đại diện hợp pháp của người học bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai. Hoặc buộc thực hiện đúng chính sách đối với người học đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền phạt tiền đến 105.000.000 đồng

Bên cạnh các nội dung quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp thì Nghị định 88/2022/NĐ-CP cũng quy định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bao gồm: “Thanh tra viên và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính”.

Tiếp đó, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 75.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 150.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Trong khi đó, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 105.000.000 đồng. Đồng thời, tùy mức độ có thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 210.000.000 đồng;… Thẩm quyền phạt tới 150.000.000 đồng được  trao cho Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có quyền.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, việc ban hành Nghị định mới quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã hệ thống, bao quát tốt hơn phạm vi quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đồng thời, tăng cường thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp./.

 

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra