6 nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn bạo lực, xâm hại trẻ em

Thứ sáu, 26/08/2022 16:55
(ThanhtraVietNam) - Trong bối cảnh bạo lực, xâm hại trẻ em thời gian gần đây có diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, cần ngay những giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn trước mắt cũng như những giải pháp căn cơ, lâu dài.

Bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội

Mới đây, tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) rúng động khi phát hiện vụ việc một nữ công nhân lao động giả làm y tế để thực hiện hành vi chiếm đoạt trẻ em sơ sinh. Sau khi lực lượng chức năng tạm giữ lấy lời khai ban đầu, đối tượng khai nhận khiến dư luận vô cùng bức xúc vì lý do, đang mắc lừa số tiền hơn 10 triệu đồng và nghĩ ra việc bắt cóc trẻ sơ sinh chuyển cho người có nhu cầu nuôi với mong muốn được người này cảm ơn số tiền lớn. Vụ việc tới đây sẽ được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ và xét xử. Thế nhưng, không hiểu vì thiếu hiểu biết pháp luật hay túng thiếu làm liều mà đối tượng này dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đối với trẻ em sơ sinh như trên.

Cũng trong thời gian đầu tháng 8/2022, Cơ quan Công an huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã vào cuộc điều tra, xác minh sự việc bé gái 11 tuổi (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) bị lột quần áo, treo lên xà nhà và bị đánh đập dã man, thậm chí còn bị quay clip phát tán lên mạng xã hội. Với vụ việc này, dấu hiệu phạm tội rất rõ với những bằng chứng bằng hình ảnh, thậm chí nhìn về góc độxã hội, cái xấu, cái ác đang được vô tình phát tán lên không gian mạng gây bức xúc cao độ.

Cũng mới đây, vụ việc một đối tượng thanh niên xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, đang bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nam tạm giữ hình sự để làm rõ các hành vi liên quan cáo buộc Giết người vì hành vi hành hung trẻ nhỏ 3 tuổi và giấu vào tủ đông. Vụ việc không chỉ gây phẫn nộ, như hồi chuông cảnh tỉnh với công tác bảo vê trẻ em, nhất là từ cơ sở khi các vụ việc cá biệt nói trên các dấu hiệu hành vi bạo hành, tra tấn, bắt cóc diễn ra trên trẻ em nhỏ tuổi, chưa có khả năng tự bảo vệvà phản kháng...

Nhận định về công tác bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, nhất là công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực triển khai công tác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em nhỏ tuổi có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

leftcenterrightdel
 Trẻ em cần được gia đình và xã hội chung tay bảo vệ, đảm bảo các quyền trẻ em để phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. Ảnh: Tràng An

UBND các tỉnh, thành phố phải tăng cường thanh tra, kiểm tra

Để tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; các Quyết định số 23/QĐ-TTg và 1863/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 và phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025.

Thứ hai, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ; ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; giao trách nhiệm cho tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp, nhất là ban bảo vệ trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia nắm bắt tình hình về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội.

Thứ ba, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thứ tư, thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

Thứ năm, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương.

Thứ sáu, giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương; xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra