<p>Sự liên kết bạn, phường ngành nghề này càng cần thiết, nâng tầm quan trọng trong thời buổi hôm nay, sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới. Nếu có sự phối hợp, hỗ trợ nhau sẽ vừa dễ dàng khai thác tốt sự thuận lợi, vừa mạnh mẽ hơn trong nỗ lực vượt khó, thắng mà không thua trong cạnh tranh với các nhà đầu tư, doanh thương các nước, cũng như giữa các nhóm ngành nghề. Tinh thần liên kết kinh doanh phường hội được phát huy, mở rộng quy mô, đổi mới hình thức cho phù hợp, hiện đại hoá, với danh xưng hiệp hội, có sự công nhận của luật pháp. Hiện tại có hai loại hiệp hội chính. Một là hiệp hội do những người từng làm quan chức trong cơ quan nhà nước đứng ra thành lập, hoặc được chọn làm người đứng đầu. Mô hình hiệp hội này có ưu thế về khả năng của người đứng đầu hiểu biết sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, hệ thống pháp luật, từng có nhiều mối quan hệ với các bộ ngành, nên tiếp tục sử dụng, liên hệ để tạo sự thuận lợi cho hoạt động của hiệp hội. Mặt yếu đối với loại hình này là nhiều người đứng đầu hiệp hội trước đó chỉ quen thạo việc chính trị, hành chính, nên thường là trong thời gian đầu gặp hạn chế trong việc hiểu biết kinh tế, kém khả năng ứng phó với các diễn biến kinh doanh, toàn là những điều mà các thành viên cần người lãnh đạo hiệp hội tư vấn, giúp đỡ. Loại thứ hai là hiệp hội do các doanh nghiệp phối hợp lập ra do doanh nhân đứng đầu, có điểm mạnh về tư duy kinh doanh, song lại hạn chế về hiểu biết pháp luật, chính sách, nhất là không có thể dành nhiều thời gian lo việc hiệp hội vì còn bận với bộn bề các việc của doanh nghiệp mình. Đó là chưa nói đến tác động mặt trái, là khi gặp phải người đứng đầu hiệp hội thiếu công tâm theo lợi ích chung, hướng các chủ trương, biện pháp của hiệp hội phục vụ phần nhiều cho lợi ích, lợi nhuận của công ty mình, gây khó, gây thiệt cho các doanh nghiệp thành viên khác. </p><p> </p><div><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2014_6/hh_nghe_ca.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></div><p>Về quy mô tổ chức, có hiệp hội chuyên ngành kinh doanh cả nước và hiệp hội địa phương. Hiệp hội cả nước to lớn, phủ rộng mạng lưới hơn so với hiệp hội địa phương, sự nhìn nhận cũng tầm cỡ, tổng thể, khái quát hơn, nên cũng đề ra được các chủ trương kinh doanh nhiều hiệu quả, biện pháp ứng phó tốt với biến động kinh tế chung cho ngành mình trong cả nước. Một hiệp hội như vậy sẽ đủ tư cách đoàn thể kinh doanh để kiến nghị với chính phủ và các bộ chuyên trách về những điều ngành nghề mình cần được quan tâm, điều chỉnh sự chưa phù hợp, hỗ trợ để bớt khó khăn, thuận lợi hơn cho điều kiện sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Hiệp hội cũng là trọng tài phân xử, điều tiết công minh các hoạt động kinh tế giữa các doanh nghiệp trong ngành, hỗ trợ về thông tin, tư vấn kinh doanh, tìm kiếm thị trường, manh mối hàng hoá. Những hiệp hội tầm cỡ như vậy, đòi hỏi phải mở rộng mạng lưới, phạm vi hoạt động trên cả nước, tập hợp, quy tụ được đông đảo doanh nghiệp cùng ngành nghề và phải có người đứng đầu giỏi giang, nhiệt tình, công tâm công ích. Soát xét thực tế thì phần nhiều các hiệp hội còn chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này, nên trong một cuộc hội thảo do Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, các cấp chính quyền quản lý doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế và đông đảo doanh nhân đều sôi nổi bàn bạc, đi đến thống nhất ý kiến là phải nâng cao năng lực cũng như hoạt động hiệu quả các hiệp hội ngành nghề. Muốn thế, mỗi hiệp hội đều phải tự thân vận động như: mở rộng và duy trì hoạt động, gắn kết tổ chức giữa đầu mối ở trung ương với các chi hội thành viên ở các tỉnh thành, quận huyện; làm sao có đủ kinh phí nuôi bộ máy? Lâu nay thường là trông vào sự ít ỏi nộp hội phí của thành viên, một phần là xin vào sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể. Nên chăng là cùng với đó, hiệp hội phải tạo nguồn thu chính từ việc làm dịch vụ và nhận một phần kinh phí theo phát triển các dự án xúc tiến, các chương trình phát triển nhân lực được chính quyền hỗ trợ. Điểm yếu nữa, cần chấn chỉnh, nâng cao, là số đông các hiệp hội còn manh mún, song lại không có sự liên kết với nhau, tiếng nói ít có trọng lượng nên nhiều kiến nghị về cơ chế chính sách chưa được cấp thẩm quyền nghe thấu. Một số hiệp hội kém khả năng tập hợp doanh nghiệp vì chưa cố vấn tốt cho họ, chưa năng động tìm kiếm thị trường, khách hàng cho các thành viên, kém kết nối doanh nghiệp, ít tạo điều kiện, cơ hội cho nhà sản xuất và khách hàng gặp nhau.</p><div>Để nâng cao năng lực cho các hiệp hội, VCCI cho biết, tổ chức này sẽ là cầu nối, nơi tập hợp các hiệp hội, lắng nghe ý kiến, hỗ trợ giải pháp trên cơ sở triển khai dự án xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực của các hiệp hội, giúp các hiệp hội tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm hoạt động vốn rất hiệu quả của nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế mỗi nước. Mọi cố gắng hỗ trợ của VCCI và các cơ quan quản lý kinh tế, cũng như tự thân vượt khó vươn lên của các hiệp hội đều nhằm để các hiệp hội thành chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp ngành nghề, đồng thời là kênh phản ánh thông tin, cầu nối giữa các doanh nghiệp với các cấp chính quyền, bộ ngành quản lý, các cơ quan nghiên cứu, giúp cho việc ban hành các chủ chương, chính sách kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp sát thực tình hình và hiệu quả hơn...</div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div>