Sau 3 năm thực hiện Luật, vẫn còn những hạn chế
Chiều 10/7, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CLKHTT) tổ chức Tọa đàm Thực tiễn thực hiện Luật PCTN năm 2018 và những vấn đề đặt ra do TS Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CLKHTT chủ trì.
Phát biểu dẫn đề Tọa đàm, TS Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, Luật PCTN được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/11/2018, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019, gồm 10 chương, 96 điều. Trải qua hơn 3 năm thực hiện trong thực tiễn Luật PCTN đã đạt được những kết quả và còn có những hạn chế nhất định. Viện CLKHTT với vai trò nghiên cứu thể chế chính sách, chiến lược của Ngành, chúng tôi thường xuyên rà soát, đánh giá lại để từ đó đưa ra đề xuất kiến nghị những giải pháp.
TS Nguyễn Tuấn Khanh chia sẻ, đây là một trong những đạo luật quan trọng của nước ta nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác đấu tranh PCTN. Tọa đàm ngày hôm nay được thực hiện dựa trên văn bản yêu cầu của Cục PCTN, Thanh tra Chính phủ về đánh giá việc thực hiện Luật PCTN trong 3 năm qua.
Tại Tọa đàm, TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, Luật PCTN năm 2018 được xây dụng dựa trên những trụ cột cơ bản so với luật cũ, 96 điều và có 24 điều riêng quy định về kiểm soát tài sản thu nhập. Tuy nhiên, theo TS. Đinh Văn Minh, Luật PCTN năm 2018 còn những vướng mắc, như: Chế độ về công khai minh bạch trong Luật PCTN chưa được thực hiện một cách hiệu quả vì trong thực tế lại có các quy định về thông tin bảo mật, các danh mục bí mật nhà nước. Hay về trách nhiệm giải trình, hầu như chưa được thực hiện trên thực tế, chưa có quá trình tổng kết và còn đang hiểu theo nghĩa hạn hẹp.
Bên cạnh đó, về chuyển đổi vị trí công tác, phạm vi điều chỉnh quá rộng, không trọng tâm, theo TS. Đinh Văn Minh, cần tập trung vào những Ngành dễ tham nhũng, mở rộng ra nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý hành chính. Rất khó để giải thích, rạch ròi giữa luân chuyển và chuyển đổi, luân chuyển nhằm để đào tạo cán bộ, chuyển đổi nhằm để PCTN, hai việc này đều là chống tham nhũng.
|
|
Nhiều ý kiến nhà nghiên cứu, chuyên gia nêu ý kiến về tính công khai, minh bạch trong Luật PCTN. Ảnh: LA |
Việc thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn
“Đối với kiểm soát tài sản thu nhập, bao gồm cán bộ công chức và phó phòng trở lên ở đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, điều này vẫn còn nhiều bất cập và tranh cãi khi triển khai trên thực tiễn”, TS. Đinh Văn Minh nói. Việc thu hồi tài sản cũng gặp những khó khăn như: Công khai bản kê khai tài sản, quyền tiếp cận của người dân đối với Bản kê khai tài sản hầu như không có.
Ngoài ra, việc kê khai tài sản, Luật PCTN hiện đang dùng từ “tương đương” rất khó giải thích. Cần rà soát xem xét lại vì trên thực tế số lượng kê khai hiện nay quá lớn, không trọng tâm.
Riêng về cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, theo TS Đinh Văn Minh, đây là vấn đề gặp khó khăn nhất trong thực tiễn. Hiên nay có 8 cơ quan thực hiện chức năng kiểm soát tài sản thu nhập, thực hiện theo Nghị định 56 bên Đảng quy định thì có tới hàng ngàn cơ quan, hay theo Luật PCTN năm 2018 thì chỉ có khoảng gần 100 cơ quan.
“Việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra chưa được thực hiện nhiều trên thực tế, hầu như mới chỉ là chuyển tin. Cơ chế chuyển hồ sơ cần xem xét lại vì hầu hết chưa được thực hiện trên thực tế”, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP nhấn mạnh.
Nói về những bất cập mà Luật PCTN năm 2018 tới đây cần bổ sung sửa đổi, có ý kiến cho rằng, thực tế trong công khai, minh bạch còn tồn tại thực trạng quá trình thanh tra là "mật", kết thúc thanh tra là công khai, như vậy chỉ công khai kết quả thanh tra. Vậy, cần quy định chi tiết và làm rõ "mật" ở mức độ nào. Về dấu hiệu hình sự chưa quy định cụ thể thế nào là dấu hiệu hình sự, còn đang chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn. Về trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng vẫn còn chưa cụ thể.
Tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng thảo luận chia sẻ sôi nổi xoay quanh những bất cập như: Kê biên phong tỏa tài sản, xử lý vật chứng, thu hồi tài sản tham nhũng, công khai tài sản tham nhũng, trách nhiệm giải trình, chuyển đổi vị trí công tác, giám sát, cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập…/.