Về vụ dân chặn đường không cho xe ben ra vào mỏ đá Tân Cang- Đồng Nai:

Bao giờ tìm được tìm lối ra?

Thứ hai, 25/09/2017 17:42
(ThanhtraVietnam) - Trong 07 ngày, từ ngày 19 đến ngày 25/9/2017, có một số người dân đã tổ chức giăng biểu ngữ, dùng rào chắn, vật cản chặn đường giao thông tại khu vực đường Đinh Quang Ân, thuộc ấp Miễu, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, khiến hàng trăm phương tiện của các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh khai thác, vận chuyển VLXD tại Cụm Mỏ Đá Tân Cang, TP Biên Hòa bị ách tắc hàng hóa, lãng phí xăng dầu và hao phí công lao động của hàng ngàn người, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an. Ngày 25/9 Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai cùng một số doanh nghiệp trong cụm mỏ Tân Cang tổ chức cuộc họp báo về việc “Thông tin về tình hình SXKD và báo cáo một số khó khăn vướng mắc, kiến nghị một số giải pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất VLXD san lấp mặt bằng tại cụm mỏ này.

Nguyên nhân của vụ việc, mặc dù đường chuyên dùng BOT phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng tại xã Phước Tân và xã Tam Phước ngày 15/9/2017 mới thông xe kỹ thuật; tuy nhiên, ngày 08/09/2017 cơ quan chức năng Thành phố Biên Hòa  đã cắm biển cấm các phương tiện giao thông trên 2,5 tấn vào con đường Đinh Quang Ân. Dựa vào lý do này, các hộ dân đã tự lập chốt, barie và các vật dụng khác ngăn cản không cho các xe chở vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp vào mỏ đá, mặc dù con đường này là con đường thuận tiện nhất để Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai cùng một số doanh nghiệp trong cụm mỏ Tân Cang chuyển vật liệu đi ra hướng đường Võ Nguyên Giáp về các công trình. Vì vậy, trong 7 ngày qua, gần 130 phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng của Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai cùng một số doanh nghiệp khác trong cụm mỏ Tân Cang nằm la liệt gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Ông Bùi Thanh Trúc – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng Hợp Đồng Nai chủ trì buổi họp báo 

Thông tin thêm về dự án BOT phục vụ vận chuyển vật liệu xây dựng tại xã Phước Tân và Xã Tam Phước, theo ông Bùi Thanh Trúc – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai cho biết: Cách đây hơn 10 năm, vào ngày 27/6/2007, tập thể 08 nhà đầu tư khoáng sản tại Khu quy hoạch khai thác VLXD Cụm Mỏ đá Tân Cang đã họp bàn và đề xuất chính quyền địa phương, các sở, ban ngành tỉnh Đồng Nai cho phép cùng đóng góp kinh phí lập dự án xây dựng đường chuyên dùng vận chuyển VLXD, tách biệt với đường giao thông dân sinh, không gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và an toàn giao thông cho nhân dân xã Phước Tân, huyện Long Thành (nay là TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ý tưởng này đã được lãnh đạo các cấp chấp thuận và chỉ đạo Ban Quản lý dự án huyện Long Thành làm đại diện Chủ đầu tư. Ban đầu, mỗi doanh nghiệp đóng góp 300 triệu đồng để lập hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công và thẩm tra hồ sơ kỹ thuật dự án, sau đó góp vốn bồi thường, đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng thi công. Theo hồ sơ thiết kế, toàn tuyến có chiều dài 7.489m, gồm đường và 01 cầu, chiều rộng 9,5m với 2 làn xe. Tốc độ thiết kế là 60km/h. Tổng mức đầu tư: 85.679.000.000 đồng.

Từ khi có hồ sơ thiết kế kỹ thuật, các doanh nghiệp mòn mỏi đợi chờ sự triển khai dự án hết năm này sang năm khác, bỗng dưng đến năm 2015, HTX An Phát do ông Đỗ Tịnh làm Chủ nhiệm (chồng của bà Phan Phị Mỹ Thanh – lúc đó là Phó Chủ tịch UBND Đồng Nai) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư làm con đường này, giá trị xây lắp được đẩy lên thành 130.578.849.000 đồng. Sự việc này các doanh nghiệp nằm trong cụm mỏ Tân Cang không được mời họp lấy ý kiến và không hề hay biết gì.

Các doanh nghiệp cũng tố cáo có nhiều sự mập mờ trong thông tin vì con đường này chỉ mới được thông xe một phân đoạn, không phải toàn tuyến, chỉ phục vụ doanh nghiệp liên quan lợi ích nhóm chứ không đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp khác, khiến bị hiểu lầm. Cụ thể là khi đường này thông xe, thì giai đoạn 2 vẫn chưa được thực hiện, hiện vẫn đang giai đoạn khảo sát, khiến khu vực đấu nối với một số mỏ đá chưa thực hiện được và các doanh nghiệp này không thể sử dụng đường chuyên dụng?.

Một số vấn đề khác như vốn đóng góp của các doanh nghiệp "bên ngoài" bị chiếm dụng, việc "ưu tiên" cho doanh nghiệp của chồng bà Phó Bí thư Tỉnh ủy thực hiện dự án BOT đường chuyên dụng, việc dùng ngân sách nhà nước làm vốn hỗ trợ, giải phóng mặt bằng cho dự án này, cũng được các chủ doanh nghiệp đề cập tại cuộc họp báo.

centerrightdel
Hàng trăm xe tải của  Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai nằm im lìm vì không có đường để chạy.

"Việc xây dựng BOT đường chuyên dụng, lập trạm thu phí một cách áp đặt, tổng vốn đầu tư 130 tỉ đồng nhưng với trữ lượng tại các khu mỏ, các tổng lượt xe vào ra, chúng tôi dễ dàng tính được tổng thu trong 12 năm lợi nhuận sẽ lên đến hơn 3.000 tỉ đồng…", các doanh nghiệp tại cuộc họp báo cho biết.

Tại cuộc họp báo có các đại diện cơ quan chức năng tuy nhiên các đơn vị không đưa ra được giải thích thỏa đáng. Riêng chỉ có ông Từ Nam Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT giải thích các bước thực hiện quy hoạch hạ tầng khu khai thác khoáng sản là đúng quy trình song do nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết. Ông Thành cho biết các sở, ngành cũng đang rốt ráo tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai có phương án xử lý trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, cảm thông với các doanh nghiệp.

Để tìm lối ra cho những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, rõ ràng cần có sự đồng thuận, chung tay, góp sức giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả mọi người.

ĐT

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra