Bộ Tư pháp họp báo về công tác tư pháp năm 2017

Thứ sáu, 26/01/2018 08:00
(ThanhtraVietnam) – Chiều 23/01 vừa qua tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo công bố kết quả công tác tư pháp Quý IV và cả năm 2017, một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2018. Đồng chí Đỗ Đức Hiển – Chánh Văn phòng Bộ đã chù trì cuộc họp.

Trong Quý IV và cả năm 2017, Bộ, Ngành Tư pháp đã thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác. Kết quả công tác đã được thể hiện thông qua 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của Ngành Tư pháp.

Một số nhiệm vụ trọng tâm và phương hướng, giải pháp công tác năm 2018 cũng được Chánh Văn phòng Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh như: Tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, 2019 trong đó trọng tâm là các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng tại Hội nghị lần thứ 5, thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, gắn với triển khai hiệu quả Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021, Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, nhất là liên quan đến thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, án tham nhũng; hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự năm 2018, giảm ít nhất 3% số việc và tiền có điều kiện thi hành chuyển sang kỳ sau so với năm 2017; tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án dân sự, bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp nhất là lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thi hành án dân sự, lý lịch tư pháp, hộ tịch, chứng thực; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đặc biệt là vụ việc phức tạp, kéo dài để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp…

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi họp báo 

Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm nêu trên cũng đã được cụ thể hóa thành 86 nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và 32 nhiệm vụ đề nghị tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu triển khai thực hiện tại Chương trình hành động của Ngành Tư pháp  triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Ông Đỗ Đức Hiển cho biết trong Quý IV/2017 và đầu tháng 01/2018, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản như: Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý; Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Trước đó, ngày 15/11/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới. Quyết định số 2410/QĐ-BTP về thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL. Quyết định số 27/QĐ-BTP về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự.

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự gồm 03 chương, 14 điều, quy định về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự. Một trong những điểm mới cơ bản của Quy chế so với trước đây đó là: Để bảo đảm việc phát ngôn, cung cấp thông tin được kịp thời hơn, đồng thời phù hợp với quy định của Nghị định số 09/2017/NĐ-CP, ngoài Chánh Văn phòng Bộ được giao là Người phát ngôn thường xuyên của Bộ Tư pháp, Quy chế còn quy định việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh là người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các đơn vị này trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

Đối với vấn đề quản lý tiền ảo đang được quan tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Hồng Hải cho biết tiền ảo, tiền điện tử là một thực tế không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, đây là một vấn đề mới và phức tạp. Bộ Tư pháp sẽ xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm quản lý tiền ảo, tiền điện tử. Dự kiến tháng 8/2018 sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế…/.

Dương Thái

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra