Chữa trị căn bệnh “sợ” thủ trưởng bằng cách nào?

Thứ ba, 05/07/2011 06:53
(Thanhtravietnam.vn) - Căn bệnh “sợ” thủ trưởng thực sự là một căn bệnh đã tồn tại trong tâm lý số đông cán bộ, công chức nước ta từ nhiều năm nay, rõ nhất là ở các cấp chính quyền địa phương. Căn bệnh đó càng rõ hơn, nặng nề hơn ở những cơ quan, cấp có thẩm quyền quản lý, nắm giữ, chi phối về nhân sự, tài chính và các lĩnh vực liên quan đến quyền lợi của người cán bộ, công chức.

Nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh đó là do:

(1) Nhiều cơ quan, đơn vị chưa công khai cho cán bộ, công chức biết thẩm quyền, trách nhiệm của người thủ trưởng, người đứng đầu đến đâu và cơ chế kiểm soát thẩm quyền ấy như thế nào. Các quy định thủ tục, về lề lối, mối quan hệ làm việc nội bộ...nhiều lúc chỉ có thủ trưởng và bộ phận làm công tác tổ chức biết, trong khi bộ phận tổ chức lại là công cụ của thủ trưởng. Vì thế có tình trạng thủ trưởng coi cơ quan, đơn vị do mình quản lý như cái nhà riêng của mình, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, muốn “ban phúc, giáng họa” cho ai tùy thích. Có những cơ quan, đơn vị, khi thủ trưởng đi vắng là nhân viên cảm thấy như được xả hơi, thư giãn thật chẳng khác gì: “vắng chủ nhà gà mọc râu tôm” vậy. Một Nhà nước của dân, do dân, vì dân như Nhà nước ta sẽ không thể chấp nhận cách quản lý và cái lối quan hệ giữa thủ trưởng với các nhân viên như thế.

(2) Chưa mô tả, phân tích công việc tương ứng với từng vị trí, chức danh cán bộ, công chức dẫn đến tình trạng người cán bộ, công chức thụ động, thiếu chuyên nghiệp, làm việc chủ yếu là học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ người đi trước và theo cái gậy chỉ huy của người thủ trưởng, theo sự phân công, điều động của tổ chức. Sự đánh giá, nhận xét, phân loại cán bộ từ xưa đến nay vẫn là tùy thuộc vào người thủ trưởng và tùy thuộc vào cái phiếu kín của đồng nghiệp. Đây vừa là nguyên nhân làm cho mục tiêu đánh giá công bằng, chính xác năng lực cán bộ, công chức và số lượng, chất lượng công việc mà họ đã thực hiện gặp những khó khăn, phức tạp; vừa là một trở ngại trong việc tinh giản biên chế và trong việc tuyển dụng, thi tuyển nhân tài cho bộ máy Nhà nước.

Khi đã tìm ra được nguyên nhân căn bệnh “sợ” thủ trưởng thì việc chữa trị căn bệnh đó không có gì khác hơn là phải giải quyết, khắc phục tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Ảnh minh họa: Internet


(3) Chưa có cơ chế xử lý trách nhiệm đến cùng đối với các cán bộ, công chức có trách nhiệm quản lý và thực thi công vụ mắc sai phạm để xẩy ra hậu quả. Mặc dù pháp luật cũng đã có những quy định về vấn đề này, nhưng các văn bản lại phân tán, nội dung còn nửa vời, chưa tạo thành sự thống nhất, đồng bộ; khi xử lý trách nhiệm của một cán bộ, công chức nào đó thì lại vướng víu do thủ tục lòng vòng, thông qua nhiều cơ quan, nhiều cấp quản lý.

Nói tóm lại, căn bệnh “sợ” thủ trưởng, ngoài nguyên nhân lịch sử là do di hại của các chế độ áp bức bóc lột để lại, thì còn có lý do khác là hiện nay các cơ quan, đơn vị nhìn chung vẫn chưa thực sự tạo dựng được môi trường làm việc dân chủ và công khai minh bạch, chưa xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của từng chức danh, vị trí quản lý, việc làm của người cán bộ, công chức. Mặc dù Nhà nước đã ban hành Luật Cán bộ, công chức, nhưng việc thực hiện Luật này cũng còn chưa được cụ thể hóa trong lề lối, mối quan hệ làm việc và trong xử lý trách nhiệm, đạo đức trong thực thi công vụ.

Khi đã tìm ra được nguyên nhân căn bệnh “sợ” thủ trưởng thì việc chữa trị căn bệnh đó không có gì khác hơn là phải giải quyết, khắc phục tận gốc nguyên nhân gây bệnh.

Tuy rằng căn bệnh “sợ” thủ trưởng sẽ dần mất đi cùng với quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, Nhà nước của dân, do dân, vì dân gắn với ý thức đề cao pháp luật, đề cao danh dự, tính chuyên nghiệp của người cán bộ, công chức. Nhưng trước mắt, để khắc phục căn bệnh này, Nhà nước cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống pháp luật có nội dung thống nhất, kiểm soát quyền lực nhằm loại trừ các hiện tượng lạm quyền, vượt quyền, cậy quyền thay luật, thậm chí làm sai, “bẻ cong” pháp luật.

Đồng thời với việc đó là khẩn trương thực hiện việc phân tích, mô tả công việc đúng với vị trí ngạch bậc, chức danh, chức nghiệp của từng loại cán bộ, công chức. Có làm được việc này thì mới có căn cứ hợp lý trong việc xếp lương, lên lương, tuyển dụng, đánh giá, nhận xét cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức. Ý nghĩa của việc làm này còn là ở chỗ thay đổi cách bình bầu lao động theo phương thức bỏ phiếu kín như hầu hết các cơ quan đang tiến hành bằng việc công khai kết quả lao động của mỗi người theo quy chuẩn chức danh, ngạch bậc.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Cán bộ, công chức cũng như việc thực hiện xây dựng văn hóa công sở, việc công khai minh bạch lề lối mối quan hệ làm việc, nhất là việc minh bạch thẩm quyền và trách nhiệm của các chức danh đứng đầu (thủ trưởng) trong mỗi cơ quan, mỗi cấp chính quyền./.

Nguyễn Đức Mạnh

 

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra