Cứu nguy gấp cho ngành mía đường

Thứ năm, 23/11/2017 14:47
(ThanhtraVietNam) - Những tháng cuối năm 2017, mối lo về ngành sản xuất mía đường lại tăng cao. Theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cam kết lộ trình 2015 – 2018, sẽ bỏ hạn ngạch thuế quan nội khối đối với sản phẩm đường. Theo đó, thách thức, khó khăn ngày càng chồng chất với ngành hàng này.

Theo lộ trình, đến 01/01/2018, hạn ngạch thuế quan nội khối đối với sản phẩm đường sẽ phải bãi bỏ. Khi đó 300.000 – 500.000 tấn đường lâu nay vẫn nhập lậu hàng năm sẽ đường hoàng đi qua cửa nhập khẩu chính ngạch và lượng nhập khẩu chính ngạch sẽ còn tăng cao gấp nhiều lần con số này do không phải nộp thuế. Thách thức, khó khăn càng chồng thêm vì rằng trước đó ngành mía đường trong nước cũng đã quá khó cạnh tranh với đường nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu.

Trước đây, đã có thời mía đường không đủ cung cấp cho người tiêu dùng trong nước, nhiều nơi còn phải cấp phiếu mua đường. Cho đến khi ngành mía đường theo cơ chế thị trường thì mía có trồng nhiều hơn, đường làm ra cũng nhiều hơn, đáp ứng cao hơn cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và còn xuất khẩu phần nào. Trong số 41 quốc gia sản  xuất mía đường, Việt Nam hiện đứng thứ 16 về sản lượng đường. Nhưng nay trước cuộc cạnh tranh khốc liệt mà ngành mía đường phải gánh chịu trước ảnh hưởng của ATIGA thì ngành này sẽ phải giải quyết rất nhiều khâu.

Kịch bản xấu nhất là các nhà máy đường sẽ không thu mua mía của nông dân nữa mà chuyển hết sang nhập đường thô về tinh luyện để duy trì sản xuất của nhà máy. Điều này khiến cho hơn 300.000 ha đất trồng mía đã hình thành trong mấy chục năm qua bắt buộc phải thôi trồng, nhưng khó tìm được cây trồng gì hiệu quả hơn để thay thế phù hợp với đất trồng mía và thói quen nghề nghiệp, nguồn thu phổ biến của một số lớn nông dân trồng mía, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế thu nhập và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trước khi đối mặt với thuế nhập khẩu đường bằng 0, thì tình hình hoạt động của các nhà máy đường nước ta cũng không mấy khả quan. Để các nhà máy đường có thể sản xuất hiệu quả cần có công suất ép mía từ 6.000 tấn mía/ ngày trở lên, nhưng cả nước mới có 8 nhà máy đạt được công suất này, 11 nhà máy công suất 3.000 tấn mía/ ngày, 22 nhà máy dưới công suất 3.000 tấn mía/ ngày sẽ phải đóng cửa vì thua lỗ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời  sống việc làm, thu nhập của 11 vạn hộ nông dân trồng mía với 38 vạn lao động và 10 vạn công nhân trong các nhà máy đường. Ước tổng số tiền thiệt hại lên tới 10.000 tỷ đồng. Nếu nhà nước không bảo hộ thì các nhà máy phải hạ giá mua mía xuống để hạ giá thành, cũng ảnh hưởng lớn tới đời sống của nông dân trồng mía.

leftcenterrightdel
 Nhiều hộ trồng mía lo lắng khi thuế suất nhập khẩu đường bằng 0 (Ảnh: Internet)

Nhìn lại chương trình mía đường được khởi xướng từ năm 1994 với mục tiêu đến năm 2000 có 1 triệu tấn đường, xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà máy đường, thì thấy, chỉ 6 năm sau chúng ta đã xây dựng được 44 nhà máy đường, đến năm 2 000 tuy đạt mục tiêu 1 triệu tấn mía đường/năm, nhưng nhiều nhà máy đường vẫn đứng trước nguy cơ phá sản do bất cập  giữa vùng nguyên liệu với công suất nhà máy. Để đẩy nhanh  tiến độ, cùng với vốn vay quỹ hỗ trợ lãi suất ưu đãi, nhiều nhà máy đường phải vay vốn thương mại lãi suất cao khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao, các nhà máy sản xuất thực phẩm bánh kẹo cần dùng đường làm nguyên liệu sẽ quay lưng với đường nội đi mua đường ngoại giá rẻ hơn nhiều so với đường nội, người tiêu dùng càng mua đường ngoại nhập lậu. Vào những năm ấy, Chính phủ đã có nhiều sự hỗ trợ cho ngành mía đường trong nước, nhưng sang thời kỳ rộng mở kinh tế hội nhập, phải gay gắt cạnh tranh với thế giới cũng như phải tiếp nhận thực tế mà các hiệp định thương mại tự do quy định, sự hội nhập của ngành mía đường Việt Nam vô cùng khó khăn vì năng suất mía thì thấp, giá thành nguyên liệu thì cao, trăm nghìn thứ cao khác cộng vào, đội giá đường cao vọt, cạnh tranh sao nổi với giá rẻ của các thứ đường nhập khẩu, còn nói gì đến xuất khẩu. Những hộ nông dân trồng mía cũng khó hạ giá bán mía vì yếu kém từ khâu giống đến canh tác, các  giống mía trồng ở nước ta nhập nội khá nhiều, giống mía lai tạo trong nước chỉ khoảng 2%, 98% còn lại là giống nhập, tình trạng bát nháo về giống trồng khiến chất lượng, sản lượng thấp. Đất canh tác không phù hợp vây quanh các nhà máy đường, chủ yếu là đất đồi nên mía chậm lớn, năng suất chất lượng kém.

Trong muôn vàn khó khăn như vậy mà thuế quan về không, ngành mía đường  cực kỳ khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, không có cách cứu nguy thì thảm bại là khó tránh. Để cứu nguy, ngành mía đường bắt buộc phải tái cơ cấu, từ chủ trương của nhà nước, đến các doanh nghiệp ngành mía đường cần phải tìm ra các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, đề xuất với chính phủ ban hành những chính sách phù hợp, cơ chế hỗ trợ hiệu quả. Phải rà soát lại vùng quy hoạch, phải làm tốt việc liên kết giữa nông dân, với doanh nghiệp, phải chọn giống mới chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao chữ đường, đầu tư hiện đại và tối ưu khâu chế biến, tăng cường chế biến sản phẩm phụ sau đường. Cần tập trung đất đai, quy tụ đất đai phù hợp quanh các nhà máy đường, thực hiện quy trình khép kín trong canh tác và thu hoạch mía đường gồm làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, tiếp nhận của nhà máy. Các doanh nghiệp mía đường kiến nghị nhà nước cần quan tâm đến chất lượng quy hoạch đất trồng mía cả nước cũng như từng vùng từng địa phương. Giám sát nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch, tránh chồng chéo quy hoạch gây khó khăn cho các hộ dân trồng mía cũng như doanh nghiệp, lãng phí đầu tư. Ngành trồng mía cũng như các ngành công nghiệp khác có liên quan đến đất đai rất mong nhà nước sửa đổi hoan thiện hệ thống chính sách liên quan đến đất đai, tạo điều kiện khuyến khích tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, áp dụng cơ chế hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập.

Đối với những khó khăn mắt, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) mới đây đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết theo hiệp định ATIGA đến năm 2022, nếu  sớm hơn là 2020. Thay vào đó, lượng nhập khẩu hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5% của năm 2017. Thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan cũng giảm 50% so với trước đây, chỉ còn 40% đối với đường thô và 45% đối với đường trắng. VSSA cũng đề nghị bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hàng rào kỹ thuật và kiểm soát chất lượng đường nhập khẩu theo quy định về chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại điều kiện kinh doanh và kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh tự sản xuất, đóng gói đường mà không có nhà máy, không được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, đồng thời nhanh chóng trình Thủ tướng đăng ký xây dựng luật Mía đường.

Mới đây, ngày 06/10/2017, Văn phòng chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Thủ  tướng Chính phủ giao cho bộ Công Thương chủ trì, cùng bộ Tài chính, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan địa phương xem xét kiến nghị của VSSA, báo cáo  Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 10, nhưng đến nay bộ Công Thương vẫn chưa hoàn thiện được báo cáo này, vì vậy VSSA vẫn còn hết sức lo lắng./.

                                                                                                            Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra