Đẩy mạnh nền kinh tế số

Thứ ba, 08/08/2017 15:53
(ThanhtraVietNam) - Trên thế giới, nhất là ở các nước đang có những tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế.

Nước ta cũng đã và đang quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất kinh doanh, bước đầu đã có hiệu quả tốt. Chúng ta đã nhận thức được rằng kinh tế số đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trên thế giới và trong khu vực ASEAN, mở ra các chiến lược toàn cầu cho sản xuất kinh doanh.

Theo ước tính của tạp chí Forbes, Mỹ, năm 2016 nền kinh tế số có giá trị 3 000 tỷ USD/năm , chiếm tỷ trọng 3,8% nền kinh tế toàn cầu. Tính đến Quý I năm 2017 có 875 triệu thuê bao internet, tốc độ tăng trưởng 7,7%/ năm. Còn trong khu vực  ASEAN, kinh tế số có giá trị 150 tỷ USD, tương đương 6% tổng sản phẩm quốc nội GDP của ASEAN.

Nhiều nước trong khu vực đang rất quan tâm đến nền kinh tế số. Thái Lan đã thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế kỹ thuật số để thay thế Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông. Tại Malaisya, kinh tế số chiếm 17% tỷ trọng GDP của nền kinh tế. Tại Việt Nam, năm 2016 thương mại điện tử đạt mức 900 triệu USD, tăng 50% so với năm 2015, ước tính đạt 5 tỷ USD vào năm 2020. Ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 60 triệu người dùng Smartphone, chiếm 60% dân số và tăng gấp 30 lần so với năm 2010. Quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tăng nhanh, năm 2016 đạt 390 triệu USD, dự đoán đến năm 2020 sẽ tăng lên mức 950 triệu USD, mở ra cơ hội lớn cho số hóa quảng cáo.

Thực tế trên cho thấy, công nghệ mới thông minh, tự động hóa đang tạo ra một nền kinh tế đổi mới vượt bậc  là nền kinh tế số. Chúng ta đang tiến theo thế giới về lĩnh vực này, song cũng có nghĩa là phải đối mặt với nhiều thách thức vì chúng ta chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để có một nền kinh tế số mạnh. Các doanh nghiệp truyền thống sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh tế số, ví như taxi thông thường đang phải cạnh tranh với taxi Uber và Grab.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Kinh tế số dựa trên internet chứa nhiều nguy cơ khó bảo mật, an toàn thông tin. Một trở ngại lớn trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam là vấn đề quá thiếu nhân lực công nghệ cao. Nguồn chủ yếu cung cấp cho các công ty công nghệ số là từ các trường đại học, cao đẳng, song còn xa, còn lâu mới đáp ứng đủ số lượng cho nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước chuyển sang làm kinh tế số. Tuy nhiên, khi toàn cầu đã tiến mạnh vào cách mạng công nghiệp 4.0, các nước đều cũng cần nhiều nhân lực kỹ thuật số, họ đưa ra nhiều hình thức khuyến khích, thu hút nhân tài, công nhân kỹ thuật giỏi công nghệ thông tin, nếu ta không có các chính sách giữ chân tốt, người giỏi kỹ thuật số của ta rất dễ bỏ nước ra đi, ta đã thiếu càng thiếu thêm nhân lực cho việc phát triển kinh tế số. Trong khi các công ty cần hàng nghìn kỹ sư công ghệ thông tin mỗi năm, thì mỗi năm trường Đại học Bách khoa chỉ đào tạo được 500 kỹ sư và 200 cử nhân liên quan đến kỹ thuật số. Chúng ta lại đang thừa rất nhiều kỹ sư, cử nhân các lĩnh vực ngành nghề khác, khoảng 200 nghìn người, liệu có đào tạo lại họ được không để chuyển họ thành kỹ sư công nghệ thông tin, chí ít là tham gia một số công đoạn trong quy  trình sản xuất, sử dụng phần mềm? Ở hơn 200 trường đại học đều có ngành công nghệ thông tin, thế nhưng đến nay số nhân lực được dùng thực tế chỉ khoảng 15%.

Về chính sách cho sự phát triển kinh tế số, vẫn còn một số văn bản chưa thông thoáng, hoặc có những điều khoản không còn phù hợp, như Nghị định 102/ 2009 NĐ-CP về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Được biết Bộ Thông tin - Truyền thông đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định mới để trình Chính phủ, trong đó sửa đổi một số nội dung như phân cấp quyết định đầu tư, trình tự thực hiện các dự án khẩn cấp.

Nhiều chuyên gia kinh tế nêu ý kiến nên kết hợp kinh tế số với khuyến khích khởi nghiệp trong giới kinh doanh trẻ để họ vận dụng kịp thời công nghệ số vào công việc làm ăn mới, đánh giá sự thành công khởi nghiệp gắn với kỹ thuật số và với kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế số nên và sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về mặt tài chính qua các quỹ đầu tư trong nước và các quỹ đầu tư nước ngoài trên cơ sở các startup có ý tưởng độc đáo về phát triển kinh tế số trong nước và hội nhập kinh tế số toàn cầu.

Các doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm, cũng như mới khởi nghiệp đều phải ý thức rằng, công nghệ số sẽ giúp cho các nền kinh tế phát triển với nhiều yếu tố mới, đẩy cạnh tranh lên các hình thức mới mẻ và khốc liệt, thậm chí có dịch vụ mới ra đời có thể đè bẹp các dịch vụ truyền thống. Nên phải chấp nhận cuộc chơi với nhiều thách thức, song cũng nhiều cơ hội phải nắm bắt nhanh, các doanh nghiệp cần nỗ lực ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh mẽ, bền vững kinh tế trong nước, cũng như số hội nhập sâu rộng kinh tế toàn cầu cùng với công nghệ số.

Chính phủ đã chủ trương và đang thúc đẩy mạnh mẽ đối với việc đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu công nghệ nhất là công nghệ dịch vụ mới theo xu hướng số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ đã nêu rõ định hướng phát triển kinh tế số qua việc bổ sung và sửa đổi chính sách quản lý hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp kinh tế số.

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân vừa diễ ra, đã có một số ý kiến kiến nghị Chính phủ có thêm, có tiếp những giải pháp giúp doanh nghiệp theo kịp kinh tế số. Cụ thể, đẩy mạnh các yếu tố số trong hoạt động kinh tế xã hội, hỗ trợ thương mại điện tử phát triển, từng bước chấp nhận hợp đồng điện tử, hạn chế sử dụng tiền mặt, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số, tạo hạ tầng thanh toán mạnh cho các giao dịch điện tử, yêu cầu các doanh nghiệp và các tổ chức đẩy mạnh số hóa các hoạt động. Đẩy mạnh chương trình chính phủ điện tử, y tế điện tử, giao thông thông minh, du lịch thông minh. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể với các mốc theo các giai đoạn các cấp bậc của dịch vụ cổng thông tin trực tuyến. Bên cạnh đó, cần dành ngân sách thỏa đáng cho các chương trình này.

Về nhân lực công nghệ cao, đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư, thay đổi chương trình đào tạo theo các xu thế mới trong môi trường công nghiệp hiện đại công nghệ  thông tin và truyền thông. Chính Phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp số được phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam bằng các chính sách thuế ưu đãi với ngành phần mềm với các khu công nghệ cao, các công viên phần mềm mà doanh nghiệp phần mềm hoạt động tại đó. Về môi trường kinh doanh, Chính phủ tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi tiếp cận các dự án kinh tế số trong lĩnh vực sử dụng vốn nhà nước, không phân biệt thành phần kinh tế.   

                                                                                                                        Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra