Để không phải “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp

Thứ hai, 31/07/2017 10:00
(ThanhtraVietNam) - Sau những khó khăn đầu năm khiến một số ngành kinh tế chững lại kèm theo nỗi lo chung về khả năng đạt GDP 6,7%, trước quyết tâm cao của các Bộ, ngành, nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm được nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế đánh giá là đang tăng trưởng trở lại.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, 6 tháng cuối năm 2017 kinh tế Việt Nam tiếp tục hoạt động tốt nhờ các nền tảng tích cực, dự kiến GDP ở mức 6,3% và lạm phát có thể ổn định xung quanh ngưỡng 5% nếu các loại hàng hóa do nhà nước quản lý giá tiếp tục được điều chỉnh. Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận những chuyển biến tăng trưởng của kinh tế việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì, dự báo GDP cả năm 2017 ở mức 6,3% và sẽ nhích lên mức 6,4% năm 2018.

Theo Ngân hàng HSBC, sự trở lại mạnh mẽ trong Quý II – 2017 khẳng định vị thế kinh tế vững chắc của đất nước Việt Nam, bất chấp bức tranh ảm đạm của đầu năm, kỳ vọng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm với sự gia tăng đầu tư sản xuất nông nghiệp và đầu tư nước ngoài.

Những dự báo đáng vui mừng này cho nền kinh tế chung của nước ta đã tạo hy vọng cho ngành Nông nghiệp vượt khỏi thực tế đáng buồn hồi đầu năm hàng loạt nông sản phải giải cứu. Tuy nhiên, muốn thực tế hóa sự kỳ vọng thì phảì tìm cách trả lời nhiều câu hỏi trước những thực trạng thách thức về tổ chức sản xuất nông nghiệp, về phát triển thị trường nông sản Việt Nam, từ đó đặt ra trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo điều tiết sản xuất.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Những năm qua, một số ngành hàng nông nghiệp chủ lực gắn liền với cuộc sống của nông dân như lúa, mía, cà phê… mỗi khi vào mùa thu hoạch đều rớt giá và được Nhà nước hô hào giải cứu và mua tạm trữ. Trong bối cảnh hội nhập sâu, những biến động thị trường nông sản là khó tránh khỏi. Nhưng câu hỏi đặt ra là sản xuất và tiêu thụ nông sản luôn bấp bênh, lúc giá lên cao lúc giá xuống quá thấp, trách nhiệm của cơ quan chức năng nhà nước ở đâu?

Thực tế cho thấy càng giải cứu, hỗ trợ, càng tạo ra sức ỳ, sự ỷ lại. Vì vậy, cần sớm tìm ra một hướng  giải quyết để bớt đi hiệu ứng giải cứu, buộc mọi nông dân doanh nghiệp đều phải thay đổi tư duy trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp chế biến và bán nông sản.

Qua những cuộc giải cứu, bài học rút ra là cần vượt qua sự bất cập của nền nông nghiệp nước ta khi quá chạy theo số lượng, sản lượng, thiếu công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, dẫn đến tình trạng thu hoạch đến đâu, bắt buộc phải bán ngay đến đấy, không thể lưu kho, bị ép giá cỡ nào nông dân cũng phải bán.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tại kỳ họp Quốc hội cuối tháng 5 – 2017 đã than phiền: “Cụm từ được mùa rớt giá tôi được nghe nói đến 3 nhiệm kỳ Quốc hội rồi, nhưng vẫn không giải quyết được thì là điều không thể chấp nhận”. Để chấm dứt tình trạng này, ông Giàu đề nghị Chính phủ cần có những dự báo chính xác về lượng sản xuất và nhu cầu tiêu dùng từng loại nông  sản nhằm cảnh báo cho nông dân.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nông nghiệp đang có sự tách rời giữa sản xuất và tiêu thụ, nên đòi hỏi phải tổ chức lại hệ thông sản xuất – tiêu thụ, sản xuất theo nhu cầu thị trường, có làm như thế việc tiêu thụ hết nông sản mới hiệu quả, bền vững. Công tác dự báo định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường phải được thực thi nghiêm túc để ngành nông nghiệp có thể sản xuất những sản phẩm phù hợp lợi thế và nhu cầu. Để làm được điều này không thể thiếu sự gắn kết vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, sự nhận thức sâu rộng của cán bộ kinh tế trong việc vận động, tư vấn cho nông dân sản xuất phải tuân thủ quy hoạch, bám sát nhu cầu thị trường.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ Trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã thừa nhận một thực tế như ông ấy ví von là đoàn tàu nông nghiệp có 3 khoang: sản xuất, chế biến, tiêu thụ, thì 2 khoang chế biến và tiêu thụ rất yếu. Hiện khâu chế biến tách lìa với sản xuất và tái sản xuất. Để khác phục tình trạng này, Bộ này đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất từng ngành hàng, rà soát lại việc quy hoạch từng nông sản,  thể chế, cơ chế chính sách, làm sao để tập trung phát triển sản xuất đi liền với tiêu thụ bền vững.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp và của từng sản phẩm, phải hình thành vùng sản xuất tập trung lớn, quy mô, gắn quy hoạch với nhu cầu thị trường, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình công nghệ hữu cơ, công nghệ cao. Đẩy mạnh liên kết 5 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà băng, lấy hợp tác xã làm trung tâm của sự phát triển, cung cấp dịch vụ đầu vào. Cần tăng cường nghiên cứu tổ chức lại hệ thống thương mại phân phối nông sản trong nước, đào tạo cho người nông dân nắm bắt được thị trường. Phải giải quyết được tình trạng doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp gặp khó khăn, chật vật tìm đất sản xuất, lập nhà máy, các cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy thương mại cho nông nghiệp lại khá bị động trong bài  toán thị trường khiến sản xuất nông nghiệp Việt Nam yếu đầu vào, kém đầu ra trong xuất như thời gian qua.

Bên cạnh đó, trước tình trạng việc xây dựng để phát triển thị trường nông sản còn rất ít được quan tâm, hoặc chưa đúng hướng, chưa hiệu quả, nguyên nhân được xác định là do cách phân vai trong quản lý chưa sát thực. Đối với xuất khẩu nông sản, có 3 Bộ tham gia, mỗi Bộ quyết định một khâu: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản xuất, Bộ Tài chính về giá, Bộ Công thương về xúc tiến thương mại, tuy nhiên ba Bộ ít phối hợp, một số khâu khó nhất trí, đồng tình.

Đối với thị trường trong nước phần lớn các địa phương dựa vào cơ quan khuyến nông nhưng đây lại là cơ quan có chức năng thúc đẩy sản xuất chứ không có tư duy làm thị trường. Nhìn chung, cách làm thị trường nông sản cũng chưa khoa học, hợp lý, vẫn chưa lấy thị trường làm thước đo mục tiêu để phát triển sản phẩm. Vẫn là lối mòn cũ khi chỉ sản xuất và tìm cách tiêu thụ những gì hiện có thay vì tập trung tạo ra các sản phẩm thị trường.

Ở khía cạnh pháp lý, nhiều hiệp định tự do thương mại FTA đã hoặc sắp có hiệu lực liên quan tới thị trường các ngành hàng trong đó có nông sản chưa được phân tích rõ ràng và gắn kết với các chiến lược trong nước. Vì vậy, dẫn đến tình trạng không những không lợi dụng được lợi thế, trái lại còn có nguy cơ  bị ảnh hưởng xấu nếu doanh nghiệp không bắt kịp các yêu cầu của thị trường khu vực và thế giới từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Lợi dụng ưu thế, khắc phục yếu kém, vượt khỏi bất cập, hàng hóa hóa nông sản là những điều cần làm để nông sản nước ta khỏi cần giải cứu, nền nông nghiệp tiến lên vững chắc.

                                                                                                            Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra