Đột phá công nghệ, thúc đẩy nông thôn mới phát triển

Thứ hai, 24/10/2022 16:17
(ThanhtraVietNam) - Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (Chương trình) giai đoạn 5 năm vừa qua có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận. Kết quả đến từ nhiều nguyên nhân nhưng đột phá từ nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là rất rõ nét.

208 mô hình trình diễn có hiệu quả

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh nhiều đóng góp có giá trị trên các mặt: cơ sở lý luận; hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp; đào tạo nguồn nhân lực xây dựng NTM thì thúc đẩy tái cơ cấu ngành ngành, tăng trưởng nông nghiệp là mặt đóng góp nổi bật mà Chương trình đã tạo ra.

Chương trình đã đề xuất được các giải pháp khoa học công nghệ (KHCN) tổng hợp, đặc thù, phục vụ tái cơ cấu ngành, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Trong đó đã góp phần: Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại, nông nghiệp sinh thái và bền vững; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn…

Thông qua việc hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất các quy trình kỹ thuật, giải pháp công nghệ, cung cấp trang thiết bị trong các mô hình có hiệu quả cao, Chương trình đã tác động trực tiếp đến các yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu ngành ngành và tăng trưởng nông nghiệp, tiêu biểu là: (i) cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi; (ii) chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cải thiện hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân; (iii) thay đổi sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào theo hướng an toàn, tiết kiệm; (iv) chuyển đổi các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất; và (v) khả năng tiếp nhận và nhân rộng hiệu quả các mô hình ứng dụng TBKT, công nghệ.

leftcenterrightdel
 Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo nên sản phẩm nấm thương phẩm chất lượng cao. Ảnh: T.A

Thống kê cho thấy, với 97 quy trình sản xuất và công nghệ mới được chuyển giao, 208  mô hình trình diễn có hiệu quả cùng hàng nghìn trang thiết bị hỗ trợ của các dự án, Chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung… Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT), công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao.

Những kết quả nhân rộng tiêu biểu được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận qua thực tế có thể kể đến: Mô hình canh tác tiết kiệm nước, giảm phát thải khí metan (CH4) triển khai tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã được nhân rộng lên 129.845.9 ha trên cả nước; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng với 7 công thức luân canh hiệu quả kinh tế cao được người sản xuất ứng dụng trên 10.000 ha ở Đồng bằng sông Hồng từ 53 ha mô hình trình diễn ban đầu. Đi cùng với đó là nhiều dự án thành công bước đầu và được nhân rộng như: Dự án ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật cải tạo thâm canh cây cà phê tại tỉnh Kon Tum năng suất trước khi có dự án đạt 2 tấn/ha, sau khi có dự án đạt 4,5 tấn/ha, đã nhân rộng được 4000ha. Dự án dược liệu tại Yên Bái và Bắc Kạn đã xây dựng được 01 mô hình liên kết chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm Hà thủ ô đỏ, ý dĩ tại huyện Chợ mới, tỉnh Bắc Kạn và 01 mô hình tại huyện Văn Yên tỉnh yên Bái với 100 hội viên, thu nhập của các thành viên tăng 3-5 lần so với trước khi tham gia mô hình…

Thúc đẩy thực hiện các tiêu chí nông thôn mới

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu ở một số đề tài đã cung cấp những đánh giá cần thiết từ góc nhìn khoa học về Bộ tiêu chí NTM theo các cách tiếp cận khác nhau, đề xuất các hướng điều chỉnh, hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng NTM, đảm bảo tính phù hợp, thiết thực, công bằng và bền vững qua từng giai đoạn. Qua đó, góp phần vào hoàn thiện Bộ tiêu chí NTM cho những năm sau 2021.

Các chuyên gia đánh giá, Chương trình cũng đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá khách quan và thiết thực tác động của khoa học công nghệ đối với xây dựng NTM, tập trung vào hai mảng tác động chính gồm: Tác động đến tăng trưởng nông nghiệp và tác động đến kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Chương trình đã áp dụng cách tiếp cận này để đánh giá tác động của Chương trình 10 năm qua, là tiền đề để áp dụng trong đánh giá tác động của khoa học công nghệ nói chung đến NTM.

Chương trình đã có tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện 12 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó tác động rõ rệt nhất là các tiêu chí về thu nhập; việc làm; quy hoạch; thuỷ lợi; môi trường và chất lượng sản phẩm; văn hoá; chính trị và tiếp cận Pháp luật. Các tác động này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong 10 năm qua và tạo động lực, giá trị KHCN để thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm tiếp theo.

Cần tiếp tục nhân rộng “đột phá”

Để phát huy hiệu quả Chương trình, nhất là các khuyến nghị, cơ chế chính sách, lý luận xây dựng NTM đã được các đề tài và dự án nghiên cứu thành công, phù hợp yêu cầu xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025 các chuyên gia đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan quản lý, điều hành xây dựng NTM các cấp, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo KHCN cần tiếp nhận để nhân rộng.

Giai đoạn tới, mô hình quản lý Chương trình có những thay đổi với những thuận lợi và khó khăn. Do vậy, cần phát huy tốt hơn sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Chương trình với các tổ chức, các nhà khoa học trong quá trình tổ chức thực hiện, nhằm kịp thời lựa chọn được các nhiệm vụ đáp ứng mục tiêu khung Chương trình đảm bảo chất lượng của nội dung, đúng tiến độ.

Thêm nữa, cần có quy trình đặc thù để kịp thời, linh hoạt triển khai thực hiện Chương trình, tăng cường áp dụng cơ chế xét chọn, giao trực tiếp nhằm đáp ứng nhanh các nhu cầu đột xuất của xây dựng NTM. Cần đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan trong mọi khâu quản lý và triển khai Chương trình để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra