Kinh tế muốn phát triển thì nền công nghiệp cần được áp dụng công nghệ mới, nhận chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, công nghệ luôn thay đổi, kéo theo việc các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển cũng nhanh chuyển đổi máy móc, công nghệ cũ, bán tống bán tháo những thứ lạc hậu đến các nước khoa học công nghệ chưa phát triển. Việt Nam cũng đã từng đứng trước nguy cơ thành bãi rác của thế giới khi nhập về công nghệ xi măng lò đứng, nhà máy đường cũ, dệt may cũ, nhiều thứ công nghệ cũ kỹ trong công nghiệp nhẹ và nhập về nhiều sản phẩm công nghệ cũ…
May thay, những bài học kinh nghiệm “đắng cay” từ thực tiễn đã giúp nước ta ngăn chặn phần nào việc nhận chuyển giao, hay bỏ tiền tỷ ra mua công nghệ lạc hậu, sản phẩm công nghiệp cũ, phế thải, phế liệu. Trên thực tế, các cơ quan chức năng gần đây vẫn phát hiện nhiều vụ nhập về mấy móc cũ, hay sản phẩm của công nghệ cũ qua các hình thức che giấu là hàng tiêu dùng thông thường, hàng tạm nhập tái xuất. Ngay cả đối với y học là lĩnh vực liên quan đến tính mạng con người cũng bị nhập công nghệ cũ.
Trước thực trạng trên, tại Phiên thảo luận, các Đại biểu Quốc hội cho rằng cần sửa đổi luật để việc chuyển giao công nghệ được kiểm soát tốt hơn, tăng sự bảo đảm minh bạch, để ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cung ứng cũng như cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường. Luật hoàn hảo hơn sẽ hỗ trợ tốt hơn sự phát triển thị trường khoa học công nghệ trong nước, giúp nền sản xuất tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến đến từ bên ngoài, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia nghiên cứu công nghệ và không ngừng đổi mới, sáng tạo công nghệ.
Thực tế cho thấy có tình trạng doanh nghiệp bị gài mua những công nghệ lạc hậu lỗi thời thiếu đồng bộ, những cũng có doanh nghiệp biết nhưng cố tình mua nhằm lợi dụng ngân sách nhà nước mà các doanh nghiệp quốc doanh được sử dụng. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chưa hào hứng, thiếu khả năng, kém năng lực để nhận chuyển giao công nghệ mới từ các nước. Trong tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi kinh doanh cho các doanh nghiệp FDI, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, mở rộng hội nhập, còn có mục tiêu học hỏi, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, song cho đến nay đã không mấy hiệu quả vì các doanh nghiệp nhỏ của ta dường như ít lưu tâm đến việc này, cũng như chưa có khả năng để phối hợp, tiếp nhận.
Để khắc phục những sự bất cập, yếu kém trong chuyển giao công nghệ, cần thiết phải nâng cao nhận thức của các cán bộ chuyên trách lĩnh vực này, nhất là đông đảo các chủ doanh nghiệp, những tổ chức, cơ quan trung gian trong việc thẩm định kiểm tra công nghệ trước khi cho nhập vào Việt Nam. Phải có các giải pháp ứng phó, kịp thời ngăn chặn chuyển giao công nghệ lạc hậu, gây thất thoát lãng phí công quỹ, tài sản của nhà nước và vốn của doanh nghiệp, tiền mua hàng của nhân dân, không để xảy ra sự hình thành những bãi rác công nghệ, hàng hóa công nghiệp.
Sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ muốn tốt, cần nhìn lại quá trình thực hiện Luật cũ. Trải qua 10 năm thi hành Luật Chuyển giao công nghệ, bên cạnh những mặt đã làm được, hoạt động chuyển giao công nghệ vẫn còn nhiều sự trầm lắng chưa xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Cần phải nhìn nhận một thực tế rằng trong điều kiện hiện nay việc thu hút công nghệ từ các nước tiên tiến là yêu cầu cấp thiết. Để làm được điều này, nước ta cần có những chính sách phù hợp để thu hút, tiếp nhận đầu tư cho chuyển giao công nghệ, có các điều chế trung gian trong thị trường công nghệ để hình thành và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt với phát triển công nghiệp. Cần khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, nên luật hóa chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ có chất lượng cao, được đào tạo bài bản từ các nước có nền khoa học tiên tiến tham gia tích cực vào việc chuyển giao công nghệ.
Nhà nước cần quy hoạch, rà soát để đầu tư có trọng tâm trọng điểm xây dựng một số tổ chức khoa học công nghệ ươm tạo mạnh về trình độ đội ngũ, về cơ sơ vật chất môi trường làm việc thử nghiệm các công nghệ mới. Xây dựng lòng tin, nâng tầm khả năng hiểu biết, thích tìm tòi, tiếp nhận công nghệ tiên tiến giúp kinh tế phát triển, nhất là trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Báo cáo gần đây của tổ chức ngân hàng HSBC về ứng dụng công nghệ đã chỉ ra rằng, để xác lập lòng tin và gia tăng độ chấp nhận của khách hàng đối với công nghệ, điều quan trọng cần làm là gia tăng kiến thức và sự hiểu biết về công nghệ mới, nắm bắt xu hướng và đảm bảo tính bảo mật cho người dùng. Các chuyên gia nước ngoài nhận định, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia có tỷ lệ chấp nhận cao đối với các công nghệ mới. Triển vọng này dựa trên lực lượng dân số trẻ luôn chào đón những cải tiến công nghệ, tỷ lệ người dân tiếp cận với internet cao và số người sở hữu điện thoại thông minh ngày càng gia tăng.
Thực tế đang cho thấy, để phát huy những tiềm năng này, nhiều ngân hàng đang đầu tư vào các nền kỹ thuật số, đẩy nhanh quá trình chấp nhận của khách hàng, tạo sự dễ dàng về nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào chuyển giao công nghệ. Sự luật hóa kỹ càng, cụ thể hơn sẽ càng đảm bảo cho việc chuyển giao công nghệ minh bạch, phù hợp và hiệu quả chắc chắn, bền vững hơn.
Trung Vũ