Ngoài ra, việc huy động vàng và ngoại tệ trong dân còn là biện pháp phòng chống đầu cơ, cá nhân, nhóm lợi ích khai thác, lũng đoạn thị trường vàng và ngoại tệ, cụ thể là đô la, gây tác động bất lợi cho nền tài chính đất nước.
Để giải quyết cả hai vấn đề trên, gần đây Chính phủ đã có chủ trương, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành việc huy động vàng và đô la trong dân, song hiệu quả không cao, nên việc này tạm thời lắng xuống. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước định ra hình thức chế tài việc dân gửi vàng và đô la vào ngân hàng, là đều không có lãi, chỉ xem như ngân hàng giữ hộ vàng và đô la cho dân.
Tuy nhiên, trước sự đẩy mạnh phát triển kinh tế nhất là kinh tế tư nhân, những biện pháp trên cần có sự thay đổi cho phù hợp. Do đó, Chính phủ đã kêu gọi việc huy động vàng và đô la trong dân để phát triển kinh tế. Nhiều chuyên gia tài chính đã ủng hộ chủ trương này, nhưng đề nghị Chính phủ và Ngân hàng nhà nước có những chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Bởi việc huy động được tiền của nhàn rỗi trong dân không hề dễ, mặc dù nguồn lực vàng ngoại tệ này đang rất lớn.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã nhiều lần đề cập, nhắc nhở việc này, là chủ trương, việc làm đúng khi nền kinh tế đất nước đang rất cần tiền, nhất là Việt Nam lại nằm trong nhóm các quốc gia phát triển thiếu vốn và phải vay nợ nước ngoài rất cao. Vấn đề chỉ còn là huy động vàng và đô la đang nhàn rỗi trong dân như thế nào?
Về vàng, thống kê từ các tập đoàn vàng, đá quý cho thấy nhu cầu đầu tư vào vàng trong thời gian qua có sự thay đổi, nhu cầu tích trữ vàng của một bộ phận dân chúng đã chuyển sang vàng, trang sức có hàm lượng cao thay vì vàng miếng.
Đối với đô la, vài năm nay càng nằm im trong dân vì ngân hàng áp lãi suất đô la 0%, một số chuyển gửi ra nước ngoài, để kinh doanh và mua nhà ở Mỹ. Nhìn chung, cả vàng và đô la đã có lúc chính sách của ngân hàng không trả lãi nếu gửi vào tín dụng nhằm chống đô la hóa và vàng hóa nền kinh tế, có tác dụng nhất định vào quãng thời gian đã qua, phù hợp với những yêu cầu của nền kinh tế khi đó. Nay các yêu cầu của phát triển kinh tế đã khác, đã đến lúc cần xem xét lại việc huy động đô la và vàng qua gửi ngân hàng có lãi ở mức độ hợp lý để thu hút vàng, ngoại tệ cho nền kinh tế trong nước, tránh được hiện tượng găm giữ đầu cơ ngoại tệ, không tiếp nhận đô la từ nước ngoài gửi về mà còn đem chuyển ra nước ngoài kiếm lợi.
Một số chuyên gia tài chính, kinh tế và doanh nhân đưa ra quan điểm, huy động ngoại tệ cũng sẽ giúp Chính phủ và các ngân hàng thương mại giảm áp lực vay vốn bằng ngoại tệ vì nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang phải đi vay đô la tại nước ngoài với lãi suất 2,5%/năm và Chính phủ vẫn phải phát hành trái phiếu quốc tế trên 4%/năm. Nguồn ngoại tệ không bị bắt buộc biến thành Việt Nam đồng nên vẫn nắm dưới dạng nguyên tệ trong dân không ít và đang được pháp luật hiện hành bảo vệ. Nguồn ngoại tệ thuộc sở hữu của dân có nhiều gốc gác, như kiều hối từ thân nhân gửi về, khách du lịch chi tiêu, Việt kiều hồi hương đem theo đô la dự trữ, tiền bán tài sản ở nước ngoài, tiền công bán trí tuệ, bán sức lao động… Tranh thủ nguồn lực này là cần thiết, nhất là khi các điều kiện và bối cảnh để buộc phải áp trần lãi suất với vàng và đô la gửi ngân hàng 0% đã thay đổi. Vào những giai đoạn lãi suất Việt Nam đồng leo thang thì vay đô la chỉ cần lãi suất thấp cũng đã là nguồn lực tiền vốn thuận lợi cho các doanh nghiệp, nên khơi thông nguồn lực vàng và ngoại tệ trong dân với lãi suất phù hợp là hoàn toàn có thể thực hiện, đem lại lợi ích nhiều mặt.
Trả lãi cho đô la gửi ngân hàng cũng phải tính đến việc hàng nhập khẩu tăng giá, ảnh hưởng đến lạm phát vốn, chi phí của doanh nghiệp tăng lên, khó cho kinh doanh và tăng tâm lý găm ngoại tệ, tăng áp lực tăng lãi suất huy động Việt Nam đồng. Nhưng xét trên lợi ích tổng thế, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn đồng tình với chủ trương của Chính phủ trong việc huy động vàng và ngoại tệ trong dân, vì nếu không huy động thì rất lãng phí, đây là giải pháp thiết thực và cần thiết giúp tăng nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Thực tế cho thấy, các biện pháp huy động nguồn ngoại tệ và vàng trong dân cũng đã từng bước được ngân hàng nhà nước triển khai và gặt hái được những kết quả tích cực. Biện pháp cơ bản nhất là để người dân tự chủ động chuyển đổi số vàng và ngoại tệ đang có sang phục vụ cho tiêu dùng, cho đầu tư, gửi lấy lãi, tránh được sự bấp bênh rủi ro nếu giữ vàng và ngoại tệ trong nhà. Điều khuyến khích và làm cho người dân yên tâm là việc đưa vàng gửi ngân hàng để ngân hàng đem phục vụ sự phát triển nền kinh tế đất nước, khi họ cần lấy lại vàng để dùng cho các mục đích khác thì phải cho họ thực hiện, chứ không bắt quy đổi vàng ra tiền, chỉ được lấy lại bằng tiền. Nếu không có sự đảm bảo cho giá trị của vàng thì không dễ huy động người dân đem vàng ra.
Thiết nghĩ, nên có những cuộc họp để bàn thảo, cùng nhau tìm kiếm cách tiến hành huy động vàng và đô la trong dân hiệu quả nhất. Nói chung, có nhiều cách, đa dạng hình thức huy động, chứ không đơn giản như huy động gửi tiền tiết kiệm. Ngoài ra, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để mở rộng số người sẵn sàng đem tiền của dự trữ đầu tư vào sản xuất kinh doanh, ổn định dài dài giá vàng, giá ngoại tệ để người dân mạnh dạn bán vàng hay đô la để đầu tư, khi cần có thể mua lại được. Nếu bán ra giá thấp mua lại với giá cao thì họ chỉ có thua lỗ chứ kinh doanh đâu đủ lãi, tâm lý sẽ quay về lẳng lặng cất giữ vàng và đô la. Khi phát triển kinh tế thị trường có các hình thức thị trường chứng khoán, thị trường phái sinh chứng khoán, thị trường tiền tệ, thì cũng nên sớm lập sàn giao dịch vàng để người dân mạnh dạn tham gia giao dịch, đồng thời giúp thị trường vàng liên thông với thế giới, sẽ không còn tình trạng chênh lệch giữa trong, ngoài nước vài triệu đồng một lượng vàng như hiện nay.
Tất cả các hoạt động này rất cần sự giám sát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước đến các cơ quan quản lý kinh tế. Duy trì tỉ lệ lạm phát ổn định, cố gẳng ở mức 3% trong một thời gian dài, có các giải pháp thanh quản cao, tạo tốc độ luân chuyển cao hơn, nhanh hơn giúp cho vàng đô la có giá trị hơn, xây dựng các kênh giao dịch vàng và ngoại tệ với chi phí thấp để người dân dễ dàng trao đổi. Như vậy, nhu cầu, tâm lý nắm giữ vàng và đô la trong dân sẽ giảm đi, dễ cho nhà nước huy động để phục vụ phát triển kinh tế./.
Trung Vũ