Trong khoảng 20 năm tới, với đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đòi hỏi ổn định, yêu cầu tiêu thụ năng lượng cũng tăng rất cao. Năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường lại đáp ứng được nhu cầu, không để thiếu năng lượng. Về hiệu quả kinh tế, điện sinh ra từ năng lượng tái tạo chỉ mất khoảng 10 - 15 năm khấu hao về giá trị đầu tư, sau đó không cần phải tốn phí nạp nhiên liệu đầu vào vẫn sản xuất ra điện liên tục. Do thế, về lợi ích kinh tế có thể đánh giá rất cao năng lượng tái tạo so với các dạng năng lượng khác, không những có lợi cho nhà đầu tư mà còn đóng góp vào ngân sách nhà nước một lượng giá trị rất lớn. Nếu khai thác ở mức cao, tận dụng hàng chục nghìn MW từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng sinh khối sẽ đảm bảo cân đối nguồn điện cho nhiều thế kỷ tới và luôn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Sản xuất điện năng lượng tái tạo sẽ càng rẻ hơn nhiều so với sản xuất điện từ nguồn năng lượng hóa thạch nếu tính đầy đủ những chi phí ngoại biên, cảnh quan, sức khỏe và sinh kế của một bộ phận con người bị ảnh hưởng không nhỏ. Ban đầu, chi phí đầu tư cho sản xuất điện tái tạo cao, nên chỉ những quốc gia giàu có và phát triển mới có thể làm việc này. Nhưng gần đây giá thành công nghệ năng lượng tái tạo ngày càng giảm, hiệu quả kinh tế tăng cao khiến nhiều nước phát triển năng lượng sạch. Hiện tại, chi phí cho năng lượng tái tạo ban đầu ở Việt Nam còn khá cao nhưng khi phát triển mạnh cũng sẽ rẻ xuống như giá quốc tế. Nước ta được các tố chức năng lượng quốc tế và Ngân hàng thế giới đánh giá là nước có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, như năng lượng gió với công suất dự báo hơn 513 000 MW, đứng đầu Đông Nam Á, với tốc độ gió tốt từ 6m/s trở lên, bờ biển dài 3 260km và các hải đảo sẽ là điều kiện tốt để khai thác điện gió.
Lợi ích to lớn của những nguồn năng lượng tái tạo lớn như thủy điện, điện mặt trời, điện gió là sự khẳng định rõ. Theo nhiều chuyên gia kinh tế và về ngành điện, chúng ta có thể khai thác năng lượng sạch từ nhiều thứ thông thường, như sản xuất năng lượng từ chất thải, đặc biệt là chất thải công nghiệp, hiện đang trở thành một giải pháp hữu hiệu trên thế giới, vừa có thêm điện sạch lại giảm ô nhiễm.
Tại Việt Nam trung bình mỗi ngày có gần 35.000 tấn chất thải rắn trong sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn. Nếu ta khai thác năng lượng sạch từ đây sẽ là một nguồn không nhỏ. Dự báo sản xuất năng lượng từ rác thải sẽ gia tăng từ 10 – 16% tại Việt Nam.
Theo chiến lược phát triển năng lượng tái tạo được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2015, tỷ lệ xử lý chất thải rắn đô thị cho mục tiêu năng lượng được dự kiến sẽ tăng từ mức chưa đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, xấp xỉ 70% đến năm 2030, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đô thị sẽ được sử dụng cho mục đích sinh hoạt năng lượng vào năm 2050.
Mía đường là một ngành nông nghiệp nước ta có tiềm năng lớn, nếu có chính sách khuyến khích và đầu tư phù hợp thì một tấn mía sau khi ép đường sẽ có 0,3 tấn bã mía có thể sản xuất điện khoảng 100 – 120kWh và thậm chí với công nghệ hiện đại như một số nước ngoài họ có thể sản xuất được 500 – 600 kWh điện/ tấn bã mía như ở Ấn Độ và nếu là công nghệ của Đức có thể lên tới 1 000 – 1200 kWh điện/tấn bã mía.
Theo quy hoạch tổng thể, ngành mía đường Việt Nam đến năm 2020 sẽ có khoảng 20 triệu tấn mía và năm 2030 có khoảng 24 triệu tấn mía. Nếu khai thác điện từ bã mía thì số lượng này có thể sản xuất ra được sản lượng điện cung ứng tổng công suất 840 MW năm 2020 và 970 MW năm 2030. Tiềm năng thì lớn như vậy song việc phát triển điện từ bã mía cũng đang gặp không ít khó khăn. Tại Quyết định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của bộ Công thương, giá điện mua của các nhà máy đường, theo lãnh đạo Hiệp hội mía đường Việt Nam là thấp, cùng là điện tái tạo nhưng giá mua điện từ bã miá lại thấp hơn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo khác, do thế đã không thực sự tạo động lực cho các nhà máy điện bã mía hiện có và các nhà máy đang có dự kiến đầu tư phát điện từ bã mía. Cũng như việc tách nhà máy đường riêng và nhà máy điện riêng thành hai nhà máy song song hạch toán độc lập, nhà máy điện phải mua bã mía của nhà máy đường, sẽ phát sinh thêm chi phí không cần thiết cho các doanh nghiệp. Tại sao không để nó trở thành một tổ hợp liên hợp?
Nhìn chung, để phát triển năng lượng tái tạo, theo các chuyên gia và nhà đầu tư, Chính phủ cần sớm tổ chức lập quy hoạch tổng thể quy tụ được các nhà tư vấn trong nước, các chuyên gia kỹ thuật có trình độ cao về năng lượng tái tạo, tham khảo ý kiến chuyên gia nước ngoài. Trên cơ sở đó bổ sung thêm các chính sách phù hợp, hiệu quả hơn cho phát triển năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, cần xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao để chế tạo thiết bị năng lượng đặc biệt là năng lượng tái tạo. Tuy đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho khối doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo, song vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ, nhất là hợp đồng mua bán điện giữa nhà đầu tư muốn có giá cả hợp lý, mà Tập đoàn điện lực nhà nước lại cứ vẫn duy trì mức giá thấp. Nhà đầu tư làm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cũng rất cần sự hỗ trợ của ngân hàng qua cung cấp vốn và lãi suất không quá cao.
Chính phủ đang quyết tâm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh nền kinh tế thì việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo phải là một trong những sự đột phá được được ưu tiên hàng đầu. Bởi phát triển năng lượng sạch sẽ là một mũi tên trúng cả hai đích: Cung cấp thêm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường.
Trung Vũ