Khi đường sách có yếu tố kinh doanh

Thứ tư, 31/01/2018 16:31
(ThanhtraVietNam.vn) - Trong các thứ hàng hóa của sự bán mua, có lẽ sách nói riêng và văn hóa phẩm nói chung là chịu nhiều sự thăng trầm nhất. Một thời gian dài dân trí nước ta còn thấp, in ấn chưa phát triển, kém kỹ thuật công nghệ, đời sống của số đông người dân còn quá thấp nên chỉ dám nghĩ đến viêc chi tiêu cho các yêu cầu thiết yếu, chứ chưa dám nghĩ đến việc mua sách về để đọc, thì sách chỉ có số người mua ít ỏi là một bộ phận trí thức yêu văn hóa, văn học.

Thêm những lý do về  quản lý văn hóa, kinh tế, xã hội, suốt thời bao cấp, sách chỉ bán tại các Hiệu sách nhân dân, thị xã, thị trấn có một cửa hiệu, các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí inh, Huế,… thì mỗi thành phố cũng chỉ có vài, ba hiệu sách nhân dân. Tại các hiệu sách nhân dân này, sách vừa ít về số lượng, vừa không phong phú về loại hình, thể loại, rất hiếm sách văn học hay, càng ít sách văn học dịch, nếu một vài hiệu sách ở các thành phố lớn có được loại sách này cũng chủ yếu là bày hàng, có bán sẽ chỉ bán phân phối theo những quy định ngặt nghèo cho một số người được xét chọn kỹ càng. Họa hoằn trên một vài phố ở thời bao cấp ấy có một, vài cửa hàng nho nhỏ cho thuê sách để ai thích đọc sách hay, sách hiếm thì thuê về đọc, sau đó đem trả kèm tiền thuê sách. Những hiệu sách tư nho nhỏ này chỉ làm việc bán, mua sách một cách không chính thức, ấy là mua lại sách cũ để cho khách đọc sách thuê, hay thấy ai quá thích cuốn sách đó thì bán lại sách cũ cho họ.

Thế rồi đùng một cái, sách và văn hóa phẩm nói chung được tự do kinh doanh có đăng ký với cơ quan quản lý kinh doanh, do đất nước có công cuộc đổi mới do Đảng và Nhà nước chủ trương và tiến hành sâu rộng, cùng với đó kinh tế phát triển, nhu cầu đọc sách và khả năng mua sách của nhiều người dân trong xã hội cũng tăng nhanh lên theo. Một số nhà xuất bản, tuy vẫn tuân thủ quy định là cơ sở của một cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội, chứ không phải của tư nhân, song đã đổi mới việc xuất bản sách, chọn sách hay để xuất bản, có các phương thức bán sách mới theo cơ chế thị trường, chú ý nhiều hơn đến người mua sách, liên kết với doanh nghiệp phát hành sách. Do cơ chế thị trường rộng mở, phố phường xuất hiện nhiều hiệu sách, hoặc chỉ bán sách văn hóa, văn học, khoa học kỹ thuật, kinh tế, chính trị yêu nước, tiến bộ, hoặc bán kèm các văn hóa phẩm khác. Có hiệu sách đơn lẻ, song cũng có phố, có đường nhiều cửa hàng sách liền nhau, tạo thành đường bán sách, phố sách, như ở Hà Nội cứ chiều chiều Đường Láng lạị có mấy chỗ bán sách cũ giá rẻ, còn các phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí  thì  san sát các hiệu sách liền nhau, tạo thành phố sách, với  số lượng, chất lượng sách đều đa dạng, phong phú, sách in chính thức nhiều, sách in lậu cũng lắm. Tình hình thị trường sách kiểu này cũng có thể thấy ở thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn khác, tất cả đều là tư nhân, tự phát. Về phương diện nhà nước, tập thể, thì ngoài các hiệu sách nhân dân có tính chất quốc doanh còn tiếp tục hoạt động, một số cũng đổi mới, mở rộng, thỉnh thoảng, thường là vào các dịp có các lễ kỷ niệm, vui tết, đón xuân, một số thành phố lớn cũng tổ chức hội sách, bán sách theo chủ đề trên con phố này, con lộ khác.

Trên cơ sở ban đầu ấy, thành phố Hồ Chí Minh đã cho phát triển lên, tổ chức đường sách, Hà Nội lập phố sách. Đường sách thành phố Hồ Chí Minh nằm trên đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, dài 144 mét, sau hai năm hoạt động ( 2016- 2017) đã tạo dựng được một không gian văn hóa đọc giữa  thành phố lớn động dân, đông khách du lịch và người các tỉnh về hoạt động sản xuất kinh doanh, với thiết kế hài hòa, rất đẹp. Sách và các văn hóa phẩm tại đường sách này rất phong phú, đáp ứng tốt yêu cầu của người đọc. Sách được chuẩn bị kỹ càng, kiểm tra chặt chẽ trước khi giới thiệu với người đọc. Đường sách đang đóng vai trò đại sứ văn hóa du lịch của một đô thị trung tâm, làm rất tốt việc nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức, góp phần xây dựng một thành phố từng được xem là Hòn ngọc viễn đông, thêm thông minh, nhân văn, hiện đại. Đường sách còn là điểm hội tụ những người thích đọc sách, là điểm dừng chân của khách du lịch để được nghe giới thiệu, chứng kiến văn hóa Việt Nam, trong đó có văn hóa  đọc. Theo bà Quách Thu Nguyệt, Phó giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sách thành phố Hồ Chí Minh, sau hai năm hoạt động, doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh tại đây đạt gần 67 tỷ đồng. Bản thân tên công ty này đã cho thấy yếu tố kinh doanh trong chức năng quản lý của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh với đường sách.

Còn theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc nhà xuất bản Trẻ, sự thành công của đường sách khiến ông cũng bất ngờ, riêng năm 2017 doanh thu của nhà xuất bản Trẻ tại đường sách này là gần 7 tỷ đồng. Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 đã có 2,5 triệu lượt khách đến đường sách và gần 800 nghìn bản sách được bán ra. Tại đường sách này cũng đã diễn ra nhiều hoạt động liên quan đến sách, như 267 sự kiện ra mắt giới thiệu sách mới, giao lưu tác giả tác phẩm, 28 hoạt động chuyên đề gắn với các ngày kỷ niệm lớn, 31 cuộc trưng bày triển lãm sách ảnh theo các chủ đề. Theo bà Nguyệt, yếu tố làm nên thành công cả về văn hóa lẫn kinh tế của Đường sách thành phố Hồ Chí Minh là xây dựng theo phương thức xã hội hóa, có yếu tố kinh doanh, như xây dựng các tiêu chí tuyển chọn mời gọi doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản, phát hành có uy tín, có thương hiệu, có năng lực chuyên môn và năng lực tài chính, để họ đầu tư xây dựng các gian hàng, tạo không gian hoạt động hấp dẫn, thu hút độc giả, cùng phối hợp tổ chức các sự kiện liên quan đến sách và văn hóa đọc của đường sách. Do thế đường sách đã tập trung 19 gian hàng của 14 đơn vị kinh doanh xuất bản, phát hành sách và văn hóa phẩm, thể hiện đặc trưng văn hóa thương nghiệp của người Việt là buôn có bạn, bán có phường. Nhưng họ cũng ý thức được rằng, khác với các đường phố kinh doanh cùng một sản phẩm, đường sách kinh doanh đặc thù sản phẩm trí tuệ, nên không chỉ lấy doanh thu  lời lãi làm chính, mà còn nhằm mục đích quảng bá văn hóa, nâng cao dân trí, giáo dục văn hóa tư tưởng. Về phía tổ chức và chính quyền quản lý đường sách cũng phải dựa trên tính chất đặc thù của ngành văn hóa. Sự ra đời của đường sách đã bước đầu thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, tạo nên một địa chỉ văn hóa giao lưu, chia sẻ khích lệ văn hóa đọc, nơi dừng chân hẹn hò gặp gỡ nhau của người dân thành phố, vui chơi của trẻ nhỏ, tới lui của du khách nước ngoài.

Trong khi đó phố sách do chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức tại phố 19 tháng 12, mới có tính chất phong trào, chưa có yếu tố kinh doanh, sản phẩm ít ỏi, gian hàng chật chội, phần lớn các quầy sách tại đây chưa có lãi, thậm chí lỗ, nên phố sách chưa khuyến khích được các doanh nghiệp bán sách để họ gia tăng đầu tư,  tạo không khí hấp dẫn hơn, cung cấp tốt hơn sách cho người mua. Khiến khi mới  lập phố sách này, bước đầu khách đến đông, rồi lại thưa vắng dần. Bài học kinh nghiệm thành công của đường sách thành phố Hồ Chí Minh và sự đang thưa vắng đi của phố sách Hà Nội rất đáng để suy nghĩ. Được biết, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa chấp thuận đề án xây dựng đường sách thứ hai tại quận 7 trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, với tổng kinh phí khoảng 14 tỷ đồng, vẫn theo phương thức chính quyền quản lý, ủng hộ, phương thức là xã hội hóa, dự kiến mở thêm ba đường sách nữa ở một số quận trong thành phố.

                                                                                                                   Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra