Chính phủ:

Kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành cần giải quyết kịp thời, dứt điểm

Thứ bảy, 06/05/2023 08:30
(ThanhtraVietNam) - Theo Công điện số 365/CĐ-TTg mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời phát huy trách nhiệm của lãnh đạo bộ, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức trong giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, các bộ, ngành và phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần giải quyết kịp thời, dứt điểm nhằm góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ngành, phục vụ lợi ích của Nhân dân và đất nước.

Đồng thời, tập trung, khẩn trương rà soát các kiến nghị, đề xuất của UBND cấp tỉnh, các bộ, ngành đã được gửi đến các bộ, cơ quan và chịu trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền, đúng thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 11 Quy chế làm việc của Chính phủ, đặc biệt phải giải quyết ngay những vấn đề tồn đọng, quá thời hạn chưa được xử lý, không để tiếp tục chậm trễ, kéo dài.

Trường hợp vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, bộ, ngành thì các bộ, cơ quan nhận được kiến nghị, đề xuất phải có văn bản trả lại ngay, nêu rõ lý do và căn cứ của việc không xem xét, giải quyết, không phải thẩm quyền; đồng thời có hướng dẫn phù hợp (nếu cần thiết).

Đối với kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành cần phải lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan, khi nhận được kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành; các bộ, cơ quan chủ trì phải có ngay văn bản gửi các bộ, cơ quan liên quan để lấy ý kiến, trong đó nêu rõ vấn đề lấy ý kiến, thời hạn trả lời. Tuyệt đối không lấy ý kiến phối hợp của bộ, cơ quan không liên quan. Quá trình lấy ý kiến, bộ, cơ quan chủ trì cần chủ động, tích cực phối hợp, đôn đốc, trao đổi trực tiếp để bộ, cơ quan phối hợp có ý kiến trả lời kịp thời, đúng hạn.

Sau khi nhận được ý kiến của bộ, cơ quan phối hợp; bộ, cơ quan chủ trì có trách nhiệm xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời, hướng dẫn ngay, rõ ràng, dứt khoát, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

leftcenterrightdel
 Đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: T.A

Trường hợp quá hạn mà bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì xử lý theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Điểm c Khoản 1 Công điện số 280/CĐ-TTg.

Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, bộ, ngành bảo đảm không bỏ sót, chậm trễ trong xử lý công việc.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Công điện này; báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách trước ngày 15 tháng 5 năm 2023 về những đề nghị của địa phương, bộ, ngành vẫn chưa được các bộ, cơ quan xem xét, giải quyết để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Việc thực hiện của các bộ, cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có liên quan đến địa phương sẽ được Văn phòng Chính phủ chủ động, thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kiểm tra.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương, hằng tháng, Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất của bộ ngành, địa phương và có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo các bộ, ngành xử lý, không để tiếp tục chậm trễ, kéo dài các công việc tồn đọng thời gian qua còn được thể hiện ở Công điện số 280/CĐ-TTg chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương ban hành ngày 19/4/2023.

Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm: Quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ. Trực tiếp, chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của bộ, cơ quan. Quyết định các công việc theo thẩm quyền và không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ những công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ. Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ.

Đồng thời, không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.

Khi giải quyết công việc, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì phải chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan mình. Không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Bộ, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, chính kiến rõ ràng; không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm.

Trường hợp quá thời hạn quy định mà bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của cơ quan lấy ý kiến theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ. Cơ quan lấy ý kiến có văn bản thông báo lại và bộ, cơ quan không có ý kiến hoặc chậm có ý kiến trả lời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các hồ sơ, đề án, dự án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, cơ quan về những nội dung chủ yếu của đề án thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì phải đề cao trách nhiệm cá nhân, chủ động làm việc trực tiếp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có ý kiến khác để trao đổi, thống nhất trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ.

Công điện 280/CĐ-TTg cũng nêu rõ yêu cầu đối với Chủ tịch UBND  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc: Chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật; không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan Trung ương; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm. Đồng thời, khẩn trương rà soát các nhiệm vụ, công việc của địa phương để kịp thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền và trong thời hạn được pháp luật quy định, nhất là đối với những công việc đã để chậm trễ, kéo dài...

Theo nhận định chung của Chính phủ, thời gian qua, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Quy chế làm việc của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương đã tăng cường quan hệ công tác, phối hợp giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng nhiều kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi các bộ, cơ quan chưa được giải quyết, trả lời, hướng dẫn kịp thời, cá biệt có một số trường hợp rất chậm trễ, để tồn đọng kéo dài; có trường hợp trả lời, hướng dẫn nhưng còn chung chung, né tránh, không rõ quan điểm, không đúng vấn đề cần được giải quyết; việc phối hợp giữa một số bộ, cơ quan để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương nhiều lúc chưa chặt chẽ, kịp thời; một số cơ quan chủ trì lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm của bộ, cơ quan mình …

Do vậy, việc ban hành Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 4/5/2023 và trước đó là  Công điện 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 cho thấy Chính phủ quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước./.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra