Logistics là ngành dịch vụ tạo giá trị gia tăng cao, đồng thời liên kết, thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác, góp phần không nhỏ vào sự thành công, hiệu quả của quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Vì thế đây là công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp gia nhập hiệu quả vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Ở tầm vĩ mô, hệ thống logistics quốc gia bao gồm cả các kết cấu hạ tầng, khung pháp lý, nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, sự phát triển toàn diện của hệ thống logistics là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2017 về “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025”, theo đó có các nhiệm vụ lớn được đặt ra, như xây dựng các trung tâm logistics thu hút dòng hàng hóa qua biên giới, xây dựng hệ thống thông tin thống kê logistcs, ứng dụng công nghệ trong logistics... Dự kiến 2017 – 2025 xây dựng thêm 18 trung tâm logistics với tổng diện tích 673 ha, đưa tổng diện tích logistisc trên cả nước lên tới trên 4.000 ha, chú trọng lập các trung tâm gần các cửa biển, hỗ trợ xuất nhập khẩu tại các khu kinh tế cửa khẩu.
Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, hiệu quả hoạt động của các công trình này chỉ có thể đạt được nếu Việt Nam có nhiều biện pháp thu hút dòng hàng, ứng dụng công nghệ thông tin trong lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát hoạt động logistics. Song đây lại là khâu yếu của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Nguồn hàng và biện pháp thu hút nguồn hàng xuất nhập khẩu, hay hàng quá cảnh là những vấn đề quan trọng trong phát triển cạnh tranh logistics của Việt Nam. Và câu hỏi đặt ra là thu hút nguồn hàng bằng cách nào?
Có thể khẳng định, khu vực ASEAN cộng với một số nước liền kề vẫn là cầu nối tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng cùng với tiến trình hồi phục thương mại và đầu tư toàn cầu. Hướng tới một ASEAN đồng nhất trong logistics, hợp tác để nâng cấp hệ thống đường cao tốc và các hành lang vận tải với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tuy nhiên, cạnh tranh nội vùng cũng đang là vấn đề thách thức, nhất là với Việt Nam khi hoạt động giao thương vận tải hai chiều giữa Việt Nam và các nước trong khu vực chưa phát triển kịp nhu cầu, làm tăng chi phí logistics.
Muốn khắc phục tình hình khó khăn, yếu kém đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý tại các cuộc hội thảo gần đây, cần rà soát các quy hoạch, chiến lược, dự án phát triển hạ tầng trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm hậu cần cảng biển, các phân khu chức năng hỗ trợ xuất nhập khẩu tại các khu kinh tế cửa khẩu, các kết nối giao thông giữa chúng để có kế hoạch thực hiện đồng bộ.
Cần thấy rõ rằng chi phí vận tải hàng hóa đang làm khó các doanh nghiệp vì hiện nay chi phí này là quá cao. Như đối với ngành dệt may, chi phí logistics đang chiếm tới gần 1/3 giá thành sản phẩm xuất nhập khẩu. Nếu giảm được chi phí này, dệt may Việt Nam có thể tiết kiệm hơn 1 tỷ USD/ năm. Nguyên nhân chi phí logistics ngành dệt may cao là do quy định về phí và lệ phí cao, chưa hợp lý. Thị phần logistics của các doanh nghiệp logistics Việt Nam chiếm tỷ lệ thấp, doanh nghiệp logistics nội chiếm 80% về số lượng nhưng chỉ chiếm 20% thị phần và đang phải cạnh tranh quyết liệt với các hãng tàu nước ngoài. Hiện nay, trên 80% đơn hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam là theo hình thức FOB, như vậy người bán chỉ cần giao hàng lên tàu tại cảng xếp hàng. Nhập khẩu các nguyên phụ liệu lại theo hình thức CIF, nghĩa là người bán phải giao hàng qua lan can tàu tại cảng xếp, phải mua bảo hiểm cho hàng và thuê người để vận chuyển hàng đến cảng rỡ hàng. Như vậy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ làm phần nhỏ trong khai báo hải quan, vận chuyển. Do đó, chúng ta hoàn toàn bị động trong việc lên kế hoạch cho chuỗi cung ứng, không kiểm tra được thời gian giao hàng. Nhất là khi bị chỉ định như vậy thì chắc chắn là mức giá cho logistics sẽ cao hơn bình thường.
Thực tế đang cho thấy, không chỉ dệt may mà với nhiều ngành hàng xuất khẩu khác, chi phí logistics cao cũng đã ảnh hưởng tới sức cạnh tranh, chi phí logistics trong nước hiện chiếm 30 đến 40% giá thành sản phẩm, trong khi ở nhiều nước chỉ là 15%.
Làm thế nào để cắt giảm chi phí logistics? Có những đề xuất giải pháp như chuyển nhập khẩu nguyên phụ liệu từ CIF sang FOB sẽ giúp cho doanh nghiệp dệt may có cơ hội giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Nếu thay đổi việc sử dụng nhiều nhà cung cấp nguyên phụ liệu nhỏ lẻ bằng một nhà cung cấp lớn có thể cung cấp tất cả các dịch vụ theo cơ chế một cửa cũng sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm giá thành. Cùng với đó, phải khắc phục được tình hình các doanh nghiệp dệt may khi xuất hàng vẫn chưa kết hợp được việc nhập luôn nguyên phụ liệu về, hoặc khi nhập nguyên phụ liệu về lại chưa kết hợp với việc xuất hàng đi. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng và các doanh nghiệp logistics cần kết hợp chặt chẽ với nhau. Cần đầu tư nâng cấp và mở rộng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đường sắt để có thể tăng tính kết nối giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác trong chuỗi vận tải đa phương thức.
Ngoài sự gia tăng đầu tư, hỗ trợ của cơ quan nhà nước, hiện nay có nhiều giải pháp đầu tư công nghệ thông tin hiệu quả với chi phí thấp, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để trang bị cho mình. Để nâng cao năng lực, các doanh nghiệp logistisc cần luôn cập nhật các xu hướng mới về logistics. Trước tình hình năng suất hoạt động còn rất thấp, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể để tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc giúp các doanh nghiệp logistics có các điều kiện hoạt động tốt hơn, đẩy mạnh được việc thu hút các nguồn hàng; thay đổi phương pháp thống kê, phổ biến thông tin để cộng đồng doanh nghiệp có thể dễ tiếp cận phục vụ lập kế hoạch điều hành hoạt động logistics./.
Trung Vũ