<div><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2014_6/phat_trien_kinh_te_bien_1.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div><br></div><div>Từ bao đời nay những người ngư dân Việt Nam đã bám biển đánh bắt cá tôm, khai thác nguồn lợi từ biển, trước là để nuôi sống bản thân mình, sau là cung cấp thực phẩm cho xã hội, đóng góp vào sự phát triển và phồn thịnh chung của kinh tế đất nước. Cuộc sống ở vùng ven biển, sự xuất hiện ngày đêm trên biển của họ luôn đại diện, minh chứng và bảo vệ cho chủ quyền của dân, nước Việt Nam trên lãnh thổ, lãnh hải. Vì vậy ngư dân không chỉ đơn thuần là những người đánh cá, khai thác hải sản, mà còn như những người canh gác biển khơi, chiến sĩ bảo vệ đất nước. Vị trí của ngư dân, tầm quan trọng của nghề đánh cá vào lộng ra khơi, hoạt động kinh tế biển này, do thế luôn cần đến sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ của cả nước. Theo với sự phát triển của kinh tế đất nước, kinh tế biển vừa có sự tự thân phát triển theo đà tiến chung mà mở rộng thêm ngành nghề, vừa đòi hỏi phải được nâng cao khả năng, hiệu quả hoạt động. Phát triển kinh tế biển là cần thiết, song lại không đơn giản, dễ dàng vì nghề đánh cá biển của nước ta còn ở trình độ thấp, người dân ven biển vẫn nghèo, tiềm năng hải sản có thể khai thác thì lớn, nhưng thuyền bé, dụng cụ thô sơ, lại thêm thiên nhiên luôn bất thường, bão lớn sóng to, sự biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng lớn đến các vùng ven biển, nên ngư dân đành nhìn ra khơi xa mà tiếc nuối trước tiềm năng. Vì vậy phát triển kinh tế biển sao cho vừa phát triển, vừa bền vững, là cả một vấn đề không nhỏ. Tình hình càng khó khăn phức tạp thêm khi bờ biển nước ta, rộng ra cả vùng chủ quyền kinh tế, phạm vi lãnh hải của Việt Nam luôn bị những thế lực cầm quyền nước ngoài muốn xâm lăng, bành trướng nhòm ngó tìm cách xâm phạm, chiếm đoạt. Việc nhà cầm quyền Trung Quốc cho giàn khoan HD 981 vào xâm phạm Biển Đông của nước ta càng nóng lên vấn đề phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và phát triển bền vững kinh tế biển.<br></div><div><br></div><div>Biển nước ta với tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều lợi thế về địa hình kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào, nhưng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thu hút đầu tư chưa cao, sức hấp dẫn khách du lịch còn khai thác kém. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chưa có sự thống nhất, thiếu liên kết phát triển cảng biển, sân bay, kết nối hạ tầng giao thông, phát triển bền vững nguồn nước. Trong bối cảnh hiện nay, trước thực tế nhiều tàu thuyền đánh cá của ngư dân nước ta bị tàu vỏ sắt thép mang danh tàu đánh của Trung Quốc hung hãn tấn công, đâm thủng, thì việc bảo đảm an toàn cho hoạt động của ngư dân đã đặt ra nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng và giảm nghèo bền vững. Trước hết là phải hiện đại hoá việc đánh cá, đi kèm với chế biến hải sản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu cao giá, nhiều hàng hải sản. Trong chiến lược xuất khẩu hàng hoá của nước ta 2011- 2020 đã có nội dung về dịch chuyển cơ cấu hàng hải sản xuất khẩu, hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và có thương hiệu mạnh. Song để làm được việc này đòi hỏi phải khắc phục tình trạng các chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo ngành nghề còn chưa đồng bộ. Hiện nay nguồn nguyên liệu cho chế biến thuỷ sản xuất khẩu chỉ đáp ứng khoảng 70% đến 75%, nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp phải tìm cách khai thác thêm nguyên liệu, song do phải mua vào giá cao nên đội giá thành, gây khó thêm cho sự cạnh tranh với thương gia các nước trong xuất khẩu thuỷ hải sản. Cũng rất cần đàm phán ký kết xuất khẩu cho nhiều hơn, tốt hơn. </div><div><br></div><div>Trước tình hình bất an do Trung Quốc đang gây ra trên Biển Đông, cũng như sự phát triển nghề đánh cá biển đòi hỏi vươn ra khơi xa, nhà nước cần phải giúp ngư dân đóng thêm tàu vỏ sắt, nâng cấp tàu còn có thể sử dụng, trang bị công cụ hiện đại. Cả nước hiện có gần 118.000 tàu cá các loại, nhưng 99% là tàu vỏ gỗ nhỏ, công cụ đánh bắt thô sơ. Hiện tàu có công suất 90 CV mới chiếm 23,1% tổng số tàu. Vì vậy trong thời gian tới phải nhanh chóng hiện đại hoá đội tàu đánh bắt xa bờ bằng việc đóng mới 3.000 tàu vỏ thép. Song để ngư dân có thể đóng mới, hay cải hoán nâng cấp tàu, với chất liệu vỏ khác nhau, trang bị dụng cụ mới, thì phải cho ngư dân vay vốn với sự ưu ái hỗ trợ. Được biết, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang phối hợp với các bộ ngành liên đới trách nhiệm, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân hiện đại hoá tàu cá, đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, vay tín dụng thương mại phục vụ nghề, với lãi suất khoảng từ 3% đến 5% năm, thời hạn 10 năm, phương thức, thủ tục cho vay thuận tiện, dễ dàng, đóng tàu vỏ thép được vay vốn 90%, vỏ gỗ 70%, gồm cả ngư cụ và thiết bị trên tàu, chưa phải trả lãi vay trong thời gian tàu đóng chưa xong. Ngư dân còn được vay tiền để mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm cho thuyền viên. Tất cả đều nhằm tạo thêm thuận lợi cho ngư dân yên tâm bám biển, phát triển việc đánh bắt cá xa bờ và đáp ứng với những yêu cầu của thời sự thực tế trên biển cũng như tương lai bền vững dài lâu của phát triển kinh tế biển.</div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ </b></div>