Quà của quan…

Thứ ba, 18/07/2017 14:36
(ThanhtraVietNam) - Tham nhũng ngày càng tinh vi, với muôn hình vạn trạng. Đôi khi sự biến tướng của tham nhũng còn đánh lừa cả tai mắt nhân dân…

Cuối tuần, bạn mời về quê chơi. Làng quê bạn nằm bên bờ một con sông, có vẻ như còn giữ được ít nhiều nét hồn hậu chất phác. Đẹp và nghèo. Bâng khuâng tự hỏi cái nghèo làm nên vẻ đẹp làng quê hay vì trân quý cái đẹp của làng quê Việt mà quê bạn vẫn giữ nét thanh bạch của cái nghèo?

Thoáng chút buồn. Bởi hiện nay, không ít làng quê đã “phai dấu”, đánh mất đi cái “hồn quê” của mình. Trách người dân sao được, có tiền thì ai mà chẳng muốn xây mới, làm mới, “nông thôn mới” pha lẫn “đô thi hóa” thành một thứ tạp phế lù không hình không sắc, phá vỡ không gian làng quê Việt truyền thống. Có chăng, nên trách là trong xây dựng kiến trúc nông thôn của ta hiện nay đang thiếu đi sự tư vấn và quy hoạch chung mang tính tổng thể.

Trở lại câu chuyện làng quê bạn. Đi qua một khu đình thờ thành hoàng hoành tráng mới xây xong, còn tươi màu sơn, bạn hỏi: “Thế nào? Có hoành tráng không?”. Đáp: “Quá hoành tráng”. Mà hoành tráng thật. Khu đình được làm trên diện tích đất cả hàng nghìn héc-ta, nằm ở vị trí được xem là đắc địa nhất của làng: vừa gần đồng vừa gần đường, lưng tựa núi, mặt nhìn sông.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa - Internet

Nhưng nếu nhìn kỹ thì thấy công trình “kiệt tác” trên cứ kỳ kỳ, nếu không muốn nói có vẻ đối lập lại với vài trăm nóc nhà dân thấp lè tè, cũ kỹ.

Ngạc nhiên, mới hỏi: “Dân nghèo thế thì tiền đâu ra mà xây đình to thế?”. Bạn cười đáp: “Dân quê tôi làm gì có tiền. Quà của quan đấy. Quan làm to nhất làng tôi, Cục phó gì đó...”.

Rồi bạn kể: Quan người làng. Trước nghèo lắm. Tuổi thơ mò cua bắt ốc, nhưng hiếu học. Sau thoát ly, làm to. Nay nhớ ơn, về làng, xây cho làng cái đình. Từ nay họp hành, giỗ chạp, tổ tôm, chè chén… ngồi thoải mái.

Mà tiền xây đình làng là quan cho tất đấy. Đâu hơn 3 tỷ. Nhà quan giàu lắm. Quan làm to mà.

Người tử tế đấy. Thanh liêm, chính trực lắm. Uống nước nhớ nguồn là phải thế. Ông này sau chết đi, có khi làng tôi phong thành hoàng.

 “Ừ, người tốt như vậy giờ cũng hiếm”, tự nhủ vậy. Tôi cũng biết có không ít vị làm to nhưng cả chục năm trời còn chẳng thèm về quê hương thăm họ hàng, kể cả ngày giỗ tết.

Theo lời bạn kể thì có thể biết được sơ bộ “gia cảnh nhà quan” như sau: Vợ làm giáo viên cấp ba. Hai con, đều đang học đại học, 1 ở trong nước, 1 du học ở Úc. Quan chỉ có nghề duy nhất là làm quan. Không buôn bán gì cả.

Hãy thử làm một phép tính đơn giản: Với đồng lương công chức, dù 2 vợ chồng, dù ở bậc lương công chức cao nhất hiện nay, cộng thêm tất tần tật các khoản khác theo quy định của Nhà nước, có lẽ cũng chỉ đủ mua một cái chung cư xã hội, chi tiêu lặt vặt trong nhà và tiết kiệm thì đủ để nuôi con ăn học.

Tiền đâu ra nhiều thế? Không lẽ trúng xổ số?

Tôi cũng có dịp đi nhiều nơi, đến nhiều vùng quê, cũng đã gặp không ít các món “quà quan” tặng như vậy. Có nơi còn có cả điện thờ nguy nga hàng chục tỷ đồng, mà ai đến ngắm cũng phải trầm trồ khen ngợi. Có nơi, người dân đã đúc thành bảng vàng để ghi nhớ công ơn!

Nhân dịp đầu năm du xuân, hãy chịu khó đi dọc dải đất hình chữ S này, đếm xem ở các tỉnh, các làng xã có bao nhiêu những món quà của quan tặng quê hương như thế? Và thử tìm hiểu xem tiền để xây dựng những công trình kỳ vĩ, tráng lệ đó được lấy từ đâu ra?

Mong sao những đồng tiền ấy không phải là từ ngân sách nhà nước thu từ thuế dân, rồi bằng cách nào đó đã tài tình chui vào túi quan, nhỏ giọt cho quê để làm nên quà tặng.

Một hiện tượng rất bất bình thường trong tồn tại trong xã hội lâu nay, mà giờ được xem như là bình thường. Vì cơ chế giám sát và minh bạch hóa ở ta chưa hoàn thiện.

Tôi nghe kể ở làng Cổ Nhuế (Hà Nội) người dân thờ thành hoàng làng là một ông ăn mày còn làng Ném Thượng (Bắc Ninh) người dân chém lợn để thờ thành hoàng làng là một tên cướp nhưng có công giúp dân làng.

Cứ đà này thì độ vài trăm năm sau, sẽ có làng quê Việt Nam thờ thành hoàng làng là... kẻ cắp chăng?

Lưu Thủy

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra