Quân đội làm kinh tế: Nên hay không nên?

Thứ tư, 05/07/2017 09:46
(ThanhtraVietNam) - Thời gian gần đây, trong dư luận xuất hiện ý kiến cho rằng quân đội không nên làm kinh tế, chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Ý kiến này đã và đang thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Tướng quân đội nói gì?

Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM vào ngày 23/6, thượng tướng Lê Chiêm (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) khẳng định: “Bộ Quốc phòng cũng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không tham gia làm kinh tế mà là lực lượng tinh nhuệ để bảo vệ Tổ quốc. Như vậy sẽ tổ chức cố phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp dự án sắp đầu tư”.

Theo thượng tướng Lê Chiêm quan điểm của Bộ Quốc phòng chủ trương quân đội không làm kinh tế, tập trung toàn lực xây dựng lực lượng quân đội vững mạnh.

Phát biểu này của thượng tướng Lê Chiêm được xem là phát ngôn đầu tiên của đại diện Bộ Quốc phòng, sau khi dư luận có ý kiến đề cập đến việc quân đội có nên làm kinh tế hay không.

leftcenterrightdel
Thượng tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng 

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 thì có nhiều thay đổi trong quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đó, tài sản công ở các đơn vị này được phân hai nhóm là đặc biệt và chuyên dùng.

Tài sản đặc biệt gồm vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đặc biệt; phương tiện đặc chủng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; công trình chiến đấu, công trình phòng thủ chiến lược.

Tài sản chuyên dùng là đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất thuộc doanh trại, trụ sở đóng quân, kho tàng, học viện, trường đào tạo nghiệp vụ quốc phòng, an ninh, trường bắn, thao trường, bãi tập, cơ sở giam giữ của lực lượng vũ trang nhân dân...

Theo quy định của Luật thì quân đội không được sử dụng tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và hình thức kinh doanh khác. Căn cứ vào những quy định này của Luật thì đồng nghĩa với việc quân đội sẽ không được phép sử dụng tài sản của mình vào mục đích kinh doanh, làm kinh tế. Từ đó cho thấy, phát biểu của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – thượng tướng Lê Chiêm là hoàn toàn có căn cứ, dựa trên tinh thần chung của các quy định luật pháp về quản lý tài sản của quân đội.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng ý với quan điểm quân đội không làm kinh tế thì vẫn còn những ý kiến cho rằng cần phải xem xét vấn đề này thấu đáo hơn nữa, vì phải dựa trên tình hình thực tế của Việt Nam.

Theo đại tướng Trần Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì quân đội tham gia làm kinh tế cũng đã đóng góp nhiều lợi ích cho đất nước. Đại tướng Trần Văn Trà nêu dẫn chứng: “Tôi lấy ví dụ như Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn hàng năm nộp thuế cho ngân sách rất lớn. Hiện có khoảng 50 nhà máy, xí nghiệp quốc phòng. Họ sản xuất phục vụ cho quốc phòng chỉ khoảng 25%, còn 75% là làm kinh tế để nuôi sống và duy trì công nghiệp quốc phòng. Làm như vậy trường hợp có chiến tranh, công nghiệp quốc phòng mới có điều kiện phát triển tốt để phục vụ chiến đấu”.

Đại tướng Trần Văn Trà phân tích: “Những nơi vùng biên giới, điều kiện khó khăn, doanh nghiệp dân sự không dám ra đó đầu tư, chỉ có đơn vị quân đội làm kinh tế mới đứng chân được ở những địa bàn đó. Hoạt động của các đơn vị kinh tế này không phải lúc nào cũng vì lợi nhuận, mà vì những mục tiêu quan trọng khác. Từ hoạt động kinh tế của các đơn vị quân đội ở những địa bàn biên giới, người dân sẽ yên tâm ra sát khu vực đó sinh sống. Khi đã có dân, các đơn vị quân đội sẽ giúp nhân dân phát triển kinh tế, cùng nhân dân tạo thành vành đai vững chắc để bảo vệ chủ quyền biên cương của Tổ quốc. Khi biên giới được giữ vững sẽ tạo ra sự yên ổn bên trong lãnh thổ để đất nước phát triển. Nếu đặt vấn đề quân đội thôi làm kinh tế thì ở những vùng đất như vậy, chẳng có doanh nghiệp dân sự nào có thể thay thế được”.

leftcenterrightdel
Đại tướng Trần Văn Trà – nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 

“Qua nghiên cứu, tôi thấy cuộc chiến tranh gần đây xảy ra như ở Trung Đông, một số nước bị tan rã đều có điểm chung là bị lực lượng khác từ biên giới đánh vào. Chính vì thế việc quân đội cùng với nhân dân kết hợp để củng cố biên giới vững chắc là hết sức quan trọng, có như vậy mới bảo vệ an ninh bên trong”, Đại tướng Phạm Văn Trà nói.

Làm kinh tế có “trọng điểm”

Thực tế cho thấy, đối với Việt Nam hiện nay, vấn đề đặt ra lúc này không phải là quân đội có nên làm kinh tế hay không mà là quân đội chỉ được phép làm kinh tế trong những lĩnh vực gì, những lĩnh vực gì quân đội không được phép làm mà chỉ dành cho dân sự.

Quan điểm cho rằng quân đội không nên làm kinh tế không sai, song có vẻ chưa thực sự phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.

Với những công trình trọng điểm phục vụ quốc phòng và cả kinh tế như đường sá, cầu cống, trường học, đê kè ở các vùng biên cương, hải đảo, vùng sâu vùng xa... nếu các doanh nghiệp quân đội không làm thì ai làm? Chắc chắn sẽ chẳng một doanh nghiệp dân sự nào dám đi đầu tư vào những dự án ở những nơi mà họ biết chắc chắn rằng sẽ lỗ, nếu trừ các chi phí.

Mặt khác, cũng cần nói rằng ngân sách của Việt Nam hiện nay đang bội chi (nợ công lớn, cần nhiều vốn để đầu tư xây dựng cơ bản, ODA bị cắt giảm, nguồn thu không đảm bảo...). Thực tế đó cho thấy các đơn vị quân đội làm kinh tế có thể được xem là một giải pháp hữu hiệu lúc này, giảm bớt đi phần nào gánh nặng cho chi phí ngân sách.

leftcenterrightdel

Một trong những công trình ở miền núi, vùng sâu vùng xa mà các đơn vị kinh tế quân đội đang thi công.

 

Có lẽ lúc này, vấn đề quân đội nên làm kinh tế hay không và làm như thế nào được thực hiện theo các biện pháp đồng thời và có lộ trình cụ thể.

Trước hết, cần quy định rõ những lĩnh vực kinh tế đặc thù mà quân đội được phép làm, khu vực dân sự không được làm (công trình liên quan đến quốc phòng, biên giới, hải đảo, đường sá phục vụ phòng thủ...).

Cùng với đó là phải xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ các đơn vị làm kinh tế của quân đội, tránh xảy ra tiêu cực, nguy cơ có thể hình thành nên các “nhóm lợi ích” và lũng đoạn.

Đồng thời, việc cắt giảm biên chế chính thức trong các đơn vị quân đội làm kinh tế này cũng là vấn đề nên được tính đến. Một đơn vị chuyên làm kinh tế, với mức lương cao và chi trả dựa trên cơ sở kinh doanh thì tất nhiên không thể cho biên chế đeo quân hàm, quân hiệu như các đơn vị quân đội với nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu được. Lực lượng này chỉ nên là những hợp đồng dài hạn là công-nhân viên hoạt động cho Bộ Quốc phòng như trong cơ cấu quản lý của quân đội nhiều nước khác trên thế giới.

Mặt khác, nên có chính sách khuyến khích các đơn vị làm kinh tế của quân đội tập trung đầu tư vào các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ và hàm lượng chất xám cao, vừa tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời cũng tạo điều kiện để quân đội tự hiện đại hóa các trang thiết bị của mình.

Cải cách quân đội là cần thiết. Trong đó có cả cải cách ở phương diện kinh tế. Nhưng về quan điểm quân đội làm kinh tế nên được tính toán kĩ lưỡng. Muốn hiện đại hóa quân đội nói riêng và tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế nói chung, thiết nghĩ vai trò quân đội vẫn quan trọng, xét ở khía cạnh kinh tế.

Lưu Thủy

 


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra