Chủ trương đúng đắn nhưng còn hạn chế
Hợp đồng BOT là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho nhà nước.
Khi đầu tư công tăng cao, ngân sách hạn hẹp trong khi nguồn lực xã hội lại dồi dào, cơ chế phối hợp công tư được xem là giải pháp tốt cho xây dựng kết cấu hạ tầng và các hợp đồng BOT công trình giao thông ra đời, phát triển.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Theo đó, các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được đầu tư, nâng cấp đã góp phần quan trọng trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia…
“Chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức hợp đồng BOT là đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước” - Báo cáo giám sát khẳng định.
Về vấn đề này, UBTV Quốc hội cũng đã có Nghị quyết và chỉ ra rằng: việc triển khai các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT có một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ tính pháp lý chưa cao; lựa chọn dự án đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư chưa hợp lý; lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn bất cập, thiếu minh bạch, công tác thiết kế, dự toán còn sai sót và chưa chặt chẽ…
Đáng chú ý là, việc triển khai về thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ, vị trí đặt trạm thu giá còn chưa hợp lý dẫn đến việc một số dự án gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc
Thấy được những bất cập, hạn chế của hình thức BOT, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục như: yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để có biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là quản lý quá trình thực hiện các dự án BOT; định hướng lập các trạm thu phí, khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập xảy ra trong giai đoạn qua; xây dựng, ban hành quy trình và thực hiện quyết toán các công trình theo đúng quy định; rà soát thời gian thu phí hợp lý các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân; các cơ quan liên quan kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện...
Một dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới của Tasco - nhà đầu tư hạ tầng giao thông bằng các hình thức BOT, BT và BOO, bao gồm việc xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch và các trạm thu phí tự động
Trong khi Chính phủ đang tích cực triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại lại xuất hiện một số đối tượng xấu lợi dụng những bất cập này để kích động, chống phá... làm mất an ninh trật tự, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư như tại Trạm thu giá BOT Cai Lậy, Tiền Giang và một số trạm khác.
Diễn biến phức tạp vừa qua được dư luận và nhân dân quan tâm, theo dõi nhưng chính quyền một số địa phương lại chưa vào cuộc quyết liệt, còn chưa thấy được tính nghiêm trọng của vấn đề và coi đây là việc của ngành giao thông.
Nhận thấy, tình hình phức tạp nếu không được xử lý thì có thể sẽ được các đối tượng xấu lấn tới, tiềm ẩn mất an ninh trật tự, các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại, Thủ tướng đã yêu cầu chính quyền địa phương, nhất là Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo giải quyết tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với những đối tượng hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại...
Bộ GTVT cũng được yêu cầu phối hợp với Bộ Công an, với địa phương tổ chức giao thông tại các trạm thu giá các tuyến tránh; cung cấp tài liệu để Bộ CA xử lý các đối tượng kích động, chống phá, quấy rối, cố tình vi phạm tại các trạm thu giá, nhất là những lái xe có hành vi cản trở giao thông như: quay đầu xe nhiều lần, cố tình dừng xe trước trạm thu giá rồi bỏ đi làm việc khác, phá hoại trang thiết bị tại trạm thu giá...Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ khởi tố để điều tra, xử lý.
Những bình luận có tính chất cổ vũ các đối tượng cản trở hoạt động thu giá, những đối tượng đưa tin sai sự thật nhằm mục đích chống phá, gây mất an ninh trật tự sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
Và chuyện nào ra chuyện đó, những bất cập, tồn tại trong quá trình phát triển không thể nào tránh khỏi, khi mà các cơ quan quản lý đã nhìn ra và có động thái tích cực để khắc phục thì những hành động chống phá, đi ngược lại chủ trương đúng đắn cần phải lên án và được xử lý nghiêm tránh hiện tượng “dậu đổ bìm leo”, làm ảnh hưởng tới lợi ích của đa số người dân và sự phát triển của xã hội.
Ngô Tân