Tích tụ đất và thị trường quyền sử dụng đất

Thứ tư, 20/12/2017 14:43
(ThanhtraVietNam) – Nông nghiệp muốn hòa được vào đà tiến chung của kinh tế đất nước thì phải có sự cơ cấu lại về quy mô sản xuất, công nghiệp hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, làm ra sản phẩm có chất lượng, giá trị hàng hóa cao. Song để làm đựợc những việc đó thì nông dân phải vươn lên, làng quê cần có sự hình thành những ông chủ doanh nghiệp xuất thân là chủ hộ nông dân.

Nước ta hiện có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp là 10 triệu ha, với gần 14 triệu hộ nông dân, trong đó 70,4% có tổng diện tích dưới 0,5ha và 3,4% số hộ có diện tích trên 3 ha. Hình thức nhỏ lẻ và manh mún nên không thể lập được các trang trại sản xuất cũng như xây dựng cơ sở công nghiệp chế biến nông sản. Việc sản xuất hàng hóa không chỉ bằng cách thu gom từ các hộ nông dân, mà còn phải có những vùng diện tích rộng trồng cấy cây nguyên liệu để chủ động trong sản xuất kinh doanh, do vậy, cần phải tích tụ ruộng đất.

Mới đây, tại kỳ họp Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày ý kiến liên quan đến việc đưa nguồn lực đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội trước mắt và lâu dài. Thêm nữa ngành nông nghiệp đang đứng trước tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nhiều thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, để phát triển bền vững, không còn con đường nào khác là tổ chức lại ngành nông nghiệp trên cơ sở tích tụ ruộng đất.

Làm được điều này cũng giúp nâng cao mức thu nhập ổn định và bền vững của người nông dân, tránh tình trạng như bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: do ruộng đất manh mún khiến sản xuất theo hướng hàng hóa rất khó khăn, nông dân phải phụ thuộc vào tư thương và thường xuyên rơi vào cảnh được mùa mất giá. Vì thế mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với nội dung đề án do bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo về điều tra đánh giá, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế nói chung. Quan điểm của Chính phủ là tích tụ đất đai vừa để mở rông quy mô sản xuất nông nghiệp, song vẫn phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân về sinh kế và lợi ích lâu dài.

Các bộ liên đới như Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang nghiên cứu nhiều mô hình khác nhau qua các hình thức đã diễn ra gần đây như liên kết đất đai hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết với người dân theo mô hình doanh nghiệp đứng ra để tích tụ tập trung đất đai để sản xuất. Mỗi mô hình đều phát huy được những thế mạnh và những điểm phù hợp với thực tế.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Việc tích tụ đất nông nghiệp cũng nên căn cứ vào thực tế và kinh nghiệm của mỗi vùng miền. Cụ thể, đồng bằng sông Cửu Long có thể tích tụ 30 ha đối với đất trồng cây hàng năm, vùng núi có thể lên đến 300 ha đối với các xã miền núi và không quá 150 ha đối với đất rừng sản xuất. Hạn mức chuyển nhượng phải phù hợp với trình độ và năng lực sản xuất của hộ gia đình nông dân, khuyến khích các hộ gia đình có lực lượng và trình độ sản xuất phát triển chuyển thành doanh nghiệp, còn không hạn mức đối với các doang nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời tiếp tục xem xét mô hình  tích tụ phù hợp trên cơ sở an ninh lương thực đối với trồng lúa.

Tuy nhiên, việc tích tụ đất để phát triển nông nghiệp đang bị hạn chế bởi luật Đất đai năm 2013, mà hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 ha đối với xã phường đồng bằng, không quá 30 ha đối với xã phường trung du miền núi, vì thế phải có sự điều chỉnh sửa đổi luật Đất đai về hạn điền. Trong khi chờ đợi thì nhiều doanh nghiệp đang phải nghĩ ra các hình thức gom ruộng đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường, song lại phải tìm cách biến báo cho về hình thức không trái luật. Đây là một trong nhiều những khó khăn bất cập của tích tụ đất trên thị trường ban mua quyền sử dụng đất nông nghiệp. Bởi theo luật Đất đai, ruộng đất vẫn là sở hữu chung của nước và toàn dân, cá nhân chỉ có quyền sử dụng nên các hình thức thu gom tích tụ đất đều chỉ mang hình thức bán mua quyền sử dụng đất.

Trong thực tế, việc thuê mua quyền sử dụng đất nông nghiệp gần đây cũng có nhiều biến động, số hộ nông dân bỏ ruộng, bán quyền sử dụng đất tăng lên, trong khi nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp của các chủ thể cũng nhiều hơn, chuyển từ hộ tiểu điền sang đại điền, thành doanh nghiệp trên cơ sở mua thu gom đơn lẻ từ nhiều hộ. Để có 30 ha đất làm trang trại phải đàm phán với 130 hộ dân. Tính đến năm 2016 đã có 3 846 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 49% so với năm 2011. Tỷ lệ đất nông nghiệp được mua chiếm 7,3% tổng số lượng mảnh đất của cả nước. Gần 59% giao dịch chuyển nhượng được thực hiện qua cơ quan quản lý đất đai trong giai đoạn 2008- 2013, tăng mạnh so với tỷ lệ 44,6% giai đoạn 2003- 2008.

Tuy nhiên, cản trở nhất trong chuyển nhượng, thuê và cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp là sự liên quan tới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đang quá chi tiết đến từng nhóm đất nhỏ. Các hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất chủ yếu là bằng miệng, có những hộ nông dân lật lường tăng giá, đòi lấy lại đất đã bán, gây khó cho doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp ngại tham gia thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp không còn muốn đầu tư về nông thôn, kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn nữa. Quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một mặt có tác động trong quản lý đất đai, nhưng lại khó trong chuyển nhượng, cho thuê những mảnh đất chưa có sổ đỏ. Thực tế đang cho thấy có không ít điều cần sửa đổi trong các văn bản luật và dưới luật về quản lý đất nông nghiệp để tăng  tính linh hoạt, phù hợp hơn với việc bán mua quyền sử dụng đất nông nghiệp, tăng tính công khai, minh bạch, đưa thị trường này vào dòng chảy chung của thị trường bất động sản. Có thế mới dễ đạt được mục tiêu tích tụ đất để đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, phát triển bền vững, làm ra nhiều nông sản có giá trị hàng hóa cạnh tranh cao./.

                                                                                                                  Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra