UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn, thể hiện quyết tâm tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế quan trọng này. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở thực hiện nghiêm túc Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DNNVV. Mục tiêu chính của kế hoạch là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch, bình đẳng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có thêm ít nhất 1.000 doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó ưu tiên hàng đầu là tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho DNNVV. Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án đầu tư; tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh; nghiên cứu cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ trong năm 2025. Ninh Bình cũng định hướng chuyển mạnh công tác quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", gắn với tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, đồng thời đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và dịch vụ công một cách thuận lợi, nhanh chóng.
    |
 |
Ninh Bình tạo đà bứt phá cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: ITN |
Bên cạnh cải cách hành chính, Ninh Bình chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi cho DNNVV phát triển. Tỉnh sẽ triển khai hiệu quả các quy hoạch và kế hoạch đã ban hành, đặc biệt là quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt trên 95%, ưu tiên các dự án quan trọng, trọng tâm, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược, các dự án kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và liên tỉnh. Ninh Bình cũng chú trọng xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn để tạo động lực dẫn dắt, lan tỏa, kích hoạt đầu tư của các DNNVV.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là hỗ trợ DNNVV nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp để mở rộng thị trường. Tỉnh sẽ triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp; tăng cường đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu; tăng cường đào tạo trực tuyến theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Ninh Bình cũng sẽ triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ DNNVV tham gia đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng các mô hình kinh tế mới, tham gia các ngành, lĩnh vực mới nổi như năng lượng mới, y sinh học, công nghiệp văn hoá, giải trí; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và phát triển hoạt động thương mại điện tử, phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ nâng cấp các DNNVV tham gia liên kết với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các hội doanh nhân trong tỉnh trong việc kết nối cộng đồng doanh nghiệp, phát triển đội ngũ doanh nhân đoàn kết, lớn mạnh; tích cực tham gia góp ý, xây dựng, theo dõi, giám sát độc lập quá trình xây dựng, thực thi các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển của nhà nước liên quan đến DNNVV; tham gia tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên.
Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trên, kế hoạch đề ra các giải pháp cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan. Sở Tài chính được giao vai trò chủ trì, điều phối, đôn đốc và kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch. Các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì triển khai các nhiệm vụ và phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính để tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho DNNVV. Các Hội và Hiệp hội Doanh nghiệp có trách nhiệm tuyên truyền kế hoạch, phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành để triển khai các hoạt động hỗ trợ, đồng thời tổng hợp, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Về phía các DNNVV, kế hoạch yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ đầy đủ, kịp thời, chính xác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, Ninh Bình kỳ vọng kế hoạch này sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển DNNVV, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của tỉnh.