Tiền công không dễ thu chi

Thứ năm, 05/10/2017 15:15
(ThanhtraVietNam) - Thực tế cho thấy NSNN đang đối mặt với nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế còn khó khăn, nguồn thu giới hạn, nhưng lại tăng chi, đặc biệt là dầu tư công và nợ công, khiến có xu hướng thâm hụt ngân sách, bội chi gia tăng.

Tám tháng đầu năm 2017, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương thu được 762,8 nghìn tỷ đồng, nhưng chi hết 793,56 nghìn tỷ đồng, sự bội chi là quá rõ. Áp lực về tăng chi luôn dẫn tới áp lực về tăng thu để bảo đảm tính ổn định của NSNN. Tốc độ tăng chi NSNN trung bình giai đoạn 2007 – 2016 là 17,4% và chi thường xuyên là 18,3%, trong khi tốc độ tăng thu NSNN trung bình là 15%, thu thường xuyên là 14,5%. Sự so sánh này phản ánh mối đe dọa tính bền vững của ngân sách nhà nước về dài hạn, mặc dù Chính phủ đã cố gắng rất nhiều về tăng thu giảm chi.

Riêng về chi, từ mức trên 30% GDP trong nhiều năm, đã giảm xuống khoảng 27- 28% giai đoạn 2012 – 2014, song lại tăng nhẹ vào năm 2015, sau đó giảm xuống vào năm 2016. Về thu NSNN, có nhiều lý do để khó tăng thu như ảnh hưởng của thiên tai khiến nhiêu ngành sản xuất giảm thu nên cũng giảm đống thuế, giá xăng dầu giảm làm cho nguồn thu của ta từ khai thác dầu mỏ cũng giảm theo. Đặc biệt, các cam kết hiệp định thương mại song phương, FTA ký với các nước đều khiến giảm thuế suất hàng hóa xuất nhập khẩu, nhiều loại hàng nước ngoài đem vào bán ở nước ta, điều này khiến thu thuế giảm nhiều.

Nhìn chung, áp lực giảm thu ngân sách chủ yếu đến từ những chính sách chưa tạo ra nguồn thu bền vững. Tuy nhiên, thu từ các nguồn tài nguyên không thể tái tạo như đất đai và dầu thô vẫn chiếm 20% thu NSNN giai đoạn 2009 – 2013 và khoảng 18% năm 2014.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Để giải bài toán khó cân đối thu chi NSNN như vậy, Chính phủ đã thực hiện hoặc là dự trình Quốc hội nhiều giải pháp, bên cạnh thành công, thì vẫn còn có đề xuất thiếu được nhất trí cao về sự tán thành. Cụ thể, Dự luật sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường, tăng thuế đánh vào xăng dầu, nói mục đích là để giảm tiêu thụ xăng dầu sẽ đỡ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nhưng không ít ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính đã không tính đến việc gây khó cho hàng loạt ngành sản xuất và đời sống xã hội vì giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo tăng giá hàng hóa và dịch vụ giao thông. Thêm nữa, nếu điều chỉnh tính thuế bảo vệ môi trường thì ngân sách địa phương cũng giảm theo trong khi lâu nay đã ổn định phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, nay sẽ phải điều chỉnh lại.

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng ý với việc phải tăng thu cho ngân sách, nhưng phải có những giải pháp phù hợp bền vững như từng bước tăng thu, chấm  dứt thâm hụt tiến tới cân bằng và thặng dư NSNN, xem đây là mục tiêu quan trọng của ngành tài chính Việt Nam.

Tăng thuế giá trị gia tăng, VAT, cũng là một trong 5 luật thuế mà Bộ Tài chính đề xuất để tăng thu thuế. Theo một số chuyên gia kinh tế, trong những năm qua tỷ lệ huy động về thuế và phí vào ngân sách chiếm khoảng 21,6% GDP, mục tiêu đặt ra là 22 đến 23%. Do vậy, việc tăng thuế là một trong những giải pháp chính sách cụ thể hóa các văn bản của nhà nước để tăng thu NSNN, động viên sự đóng góp của nền kinh tế chung một cách hợp lý, nhất là trước tình hình nhiều nguồn thu khác đang giảm, là việc làm cần thiết.

Tuy nhiên, đây là một biện pháp nhạy cảm tác động tới xã hội rất lớn, cần cân nhắc mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh và các căn cứ điều chỉnh. Cũng phải xem xét tác động tới các doanh nghiệp, đặc biệt là thuế VAT. Không nên biện luận là bản chất thuế này là đánh vào người tiêu dùng, doanh nghiệp là người thu hộ nên khi tăng thuế suất VAT, doanh nghiệp sẽ không ảnh hưởng gì. Mà phải tính đến việc thuế tăng, tất giá hàng tăng, người tiêu dùng giảm mua sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa làm ra, dĩ nhiên là doanh nghiệp phải sản xuất ít đi, họ thu nhập giảm, cũng giảm đóng thuế. Điều này khiến việc tăng thuế không hẳn đã tạo ra nguồn thu tốt, mà có những thời điểm giảm thuế lại tăng nguồn thu ở những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vì doanh nghiệp làm ra hàng, bán rẻ do cộng thuế thấp, bán được nhiều hàng, sẽ nộp nhiều thuế.

Về chi NSNN, một trong những khoản chi lớn tạo thành nợ công nhiều là đầu tư công, hiện đang là một điểm nghẽn cho tăng trưởng kinh tế, cần những biện pháp cứng rắn để giải ngân cho những dự án cần thiết nếu chậm giải ngân giảm hiệu quả sử dụng vốn. Song phải kiểm soát chặt việc đầu tư công để không lãng phí, không tăng chi ngân sách vô ích.

Vừa qua, Chính phủ đã phải dừng nhiều dự án đầu tư, đề nghị thu hồi 876,942 tỷ đồng của 5 Bộ, ngành, một địa phương do phân bổ không đúng NSNN theo quy định, không có nhu cầu sử dụng. Qua đó, có thể rút ra kinh nghiệm sâu sắc là để cân đối ngân sách nhất là giảm chi thì rất cần một kỷ luật ngân sách, nhất là đối với đầu tư công như chối từ đầu tư không hợp lý, khắc phục nhanh tình trạng vốn đầu tư cho khu vực doanh nghiệp nhà nước còn chiếm tỷ lệ cao và chưa có xu hướng giảm. Muốn giảm chi và sử dụng hiệu quả tiền NSNN đã chi thì đầu tư công phải đảm bảo những yếu tố cơ bản nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Cơ quan nào quản lý nợ công? Gần đây, Dự luật Quản lý nợ công và đầu mối đã thống nhất ý kiến giao về Bộ Tài chính để không còn phải chia cho Bộ Kế hoạch đầu tư và Ngân hàng Nhà nước vì thu hồi nợ công có hiệu quả cũng là một hình thức giảm chi ngân sách nhà nước.

Trên tổng thể, muốn tăng thu giảm chi NSNN thì phải thực hiện nhiều giải pháp, như phải nâng cao hiệu quả giám sát tài chính đặc biệt là tài chính công, cần giao cho bộ Tài chính các nhiệm vụ đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay nợ, trả nợ khi đến hạn, tăng cường tính công khai minh bạch thị trường, thông tin tài chính, rà soát, xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát ngân sách nợ công phù hợp với thực tiễn.

Đối với thị trường tài chính, cần nâng cao hiệu quả cơ chế điều phối giám sát, phối hợp giữa các cơ quan. Giữ nghiêm kỷ luật ngân sách ngay từ khâu lập dự toán, đến tổ chức thực hiện và giám sát trong suốt quá  trình thực hiện, giảm chênh lệch giữa dự toán thu và thực tế thu, hiện nay độ sai lệch lớn. Cần cải cách tài chính công hướng tới phát triển bền vững, vừa đa dạng hóa nguồn lực tài chính, vừa phát triển hệ thống ngân sách. Đây là những việc mà Bộ Tài chính đang khẩn trương tiến hành.

                                                                                                  Trung Vũ


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra