Tìm sự hợp lý cho chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là một bài toán khó. Mấy năm nay từ bộ Lao động-Thương binh- Xã hội, đến Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đều ra sức tìm cách giải bài toán này.
Ngành BHXH và ngành Y tế thì cố công, cố sức cùng nhau kê bằng những chỗ còn vênh nhau để đi đến kết quả mà cả hai ngành lẫn cộng đồng xã hội đều mong mỏi, ấy là đạt được sự công bằng, hợp lý cao nhất giữa thu chi quỹ BHXH. Bởi vì tất cả đều xem đây là một chính sách mang nhiều tính nhân đạo và an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặc biệt quan tâm. Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành các luật, nghị định để cải cách, phát triển chính sách BHXH phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội. Hiện cả nước đã có trên 14,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hàng năm có từ 4 đến 5 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và khoảng 15 nghìn người hưởng mới các chế độ BHXH dài hạn, gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng. Đó là những kết quả đã đạt được khi thực hiện chính sách BHXH. Tuy vậy vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, như diện bao phủ BHXH còn ở mức thấp so với các nước. Quỹ BHXH vẫn tiềm ẩm nguy cơ mất cân đối trung, dài hạn, nhất là trước tình hình già hóa dân số, chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm do tác động hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0. Các chế độ BHXH còn chưa đa dạng và linh hoạt nên thiếu hấp dẫn. Việc lập hồ sư thủ tục thực hiện BHXH chưa thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động.
Những khó khăn trên không chỉ nước ta gặp phải, cũng không chỉ nước ta thấy cần cải cách BHXH, mà nhiều nước khác cũng đã thấy, một số nước đã cải cách BHXH thành công, song cũng không ít nước thất bại, tạo thêm gánh nặng cho hệ tài chính và tiền tệ quốc gia. Những hạn chế, bất cập của chính sách BHXH ở nước ta mỗi năm một thêm lộ rõ, đặc biệt là năm 2017 vừa qua, như số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, mới chỉ đạt 200 nghìn người, 21,5% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ hưu trí, tử tuất khó có thể cân đối dài hạn do những hạn chế mà chính sách BHXH kế thừa từ thời kế hoạch hóa tập trung, thiết kế chính sách BHXH dành cho công nhân viên chức khu vực nhà nước, khác xa với tình hình lao động thời cơ chế thị trường. Chính sách BHXH còn thiếu sự chia sẻ theo nghĩa rộng, chế độ hưu trí thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng – hưởng,chưa chú trọng nguyên tắc chia sẻ giữa người lương cao và lương thấp, chưa thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. Mức độ tuân thủ pháp luật BHXH còn chưa cao, đặc biệt là ở các doanh nghiệp.
Vì thế muốn chính sách BHXH hợp tình hợp lý cần có các giải pháp tức thời và dài hạn. Qua các cuộc họp, hội thảo gần đây đã có nhiều ý kiến chỉ đạo, đề xuất của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành quản lý, chuyên gia kinh tế, luật pháp về cải cách chính sách BHXH, như: cần ra soát lại toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội nhất là luật BHXH và luật Bảo hiểm y tế ( BHYT) để có thể xử lý vướng mắc, tạo ra sự năng động, linh hoạt, mở rộng đối tượng bao phủ, giúp BHXH cũng bao phủ rộng như BHYT, tiến tới BHXH, BHYT toàn dân. Cần lấy chất lượng để tạo sự hấp dẫn của hai loại BH này. Chính sách BHXH phải song hành, ngang tầm với các chính sách kinh tế và chính sách xã hội nói chung. Cần nâng cao ý thức cho mọi ngành mọi giới, cả người lao động lẫn người sử dụng lao động là đầu tư cho BHXH chính là đầu tư cho con người, phát triển bền vững, có quyết tâm chính trị cao và sự đồng hành của cả xã hội. Chính sách BHXH cần kết hợp lồng ghép trong các chương trình và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, thực hiện đồng bộ với các chính sách đó. Muốn cải cách tốt chính sách BHXH cần tiến hành song song với cải cách bộ máy cơ quan thực hiện, hệ thống quản lý quỹ BHXH. Tuy nhiên cần nhưng không vội mà phải có lộ trình, cải cách chính sách BHXH gắn với khả năng kinh tế và ngân sách nhà nước, vẫn phải tôn trọng nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ rủi ro và bảo đảm bền vững quỹ BHXH nhất là quỹ hưu trí. Cải cách BHXH phải đi liền với phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường lao động, rút kinh nghiệm và kế thừa những năm đã thực hiện.
Cần phải khắc phục tình trạng hệ thống hưu trí ở Việt Nam không bền vững về tài chính, hiện tỷ lệ hưởng trên mỗi năm đóng góp vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới nhất. Hệ thống BHXH Việt Nam cần phải hiện đại hóa, như chuyển toàn bộ hệ thống sang quản lý tập trung, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, lấy hướng khách hàng làm trung tâm. Tăng cường quản trị chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn tài chính quỹ hưu, nâng cao khả năng, lợi nhuận đầu tư quỹ BHXH vào nơi tin cậy hơn cho an toàn, lợi nhuận đem lại cũng phải cao hơn. Nên phổ biển rộng rãi trong dân, kết hợp tốt với các cơ quan thông tin báo chí về BHXH để tuyên truyền chính sách BHXH. Hiện đang bàn về việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng đây lại là một việc liên quan đến chế độ hưu trí, cân đối quỹ lương hưu, cần làm sao để giải quyết việc làm cho người lao động một khi tăng tuổi hưu cũng có nghĩa là sẽ có một số người tiếp tục ở lại thêm thời gian, mất chỗ làm cho người mới, với người suy giảm sức lao động sẽ gây hệ lụy về sức khỏe khi nghỉ hưu. Dân số nước ta đang già nhanh, tỷ lệ người cao tuổi hiện chiếm 11% tổng dân số, dự báo 26% vào năm 2050, từ thực tế ứng phó với tốc độ già hóa dân số tại một số nước phát triển, nước ta cũng cần có một hệ thống an sinh xã hội phủ rộng tới toàn bộ người dân theo sự tiếp cận mọi giai đoạn của cuộc đời. Nên xây dựng hệ thống lương hưu đa tầng, thoạt đầu cung cấp một mức hưởng lương hưu tối thiểu trên cơ sở mức sống tối thiểu, sau đó mới tính đến chuyện đóng- hưởng. Thời gian đóng BHXH như hiện nay chỉ đủ chi trả lương hưu trong vòng 8 năm, nhưng tuổi nghỉ hưu trung bình hiện nay là 57 tuổi so với tuổi thọ trung bình của người sau khi nghỉ hưu là 78,8 tuổi, nghĩa là hưởng lương hưu hơn hai mươi năm, sẽ rất khó có đủ tiền để trả lương hưu. Thế nên hệ thống BHXH của Việt Nam phải chuyển từ đơn tầng sang đa tầng, tầng 1 là mức hưởng thấp nhất, bất kể ai về hưu dù đóng ít hay nhiều vẫn được hưởng một mức cố định, tầng 2 là lương hưu theo đóng góp và có mức hưởng do pháp luật quy định, tầng thứ 3 dành cho những người mong mức lương hưu cao hơn thì sẽ tham gia chương trình hưu trí tư nhân.
Để chính sách BHXH đi vào đời sống rộng rãi, hỗ trợ an sinh xã hội tích cực hơn, cần tiến tới cải cách trọn gói kết hợp nhiều lời giải cho bài toán không dễ giải đó, nên chú ý đến những lao động khu vực phi chính thức. Đã có sự cảnh báo: cần phải cải cách ngay, không được từ từ vì trên thế giới những nước chậm trễ phải chịu hậu quả nghiêm trọng tới lương hưu và khủng hoảng tài chính. Cải cách hệ thống BHXH ngay từ bây giờ là cách duy nhất và hay nhất để hợp tình hợp lý việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động hiện tại cũng như các thế hệ tiếp nối.
Trung Vũ