Trước hết, kinh tế nước ta đã phát triển mạnh nên các nước thấy không còn cần giúp vốn ưu đãi nhiều. Thứ hai, nước ta triển khai thực hiện các dự án vốn ngoại kém hiệu quả. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ năm 1993 đến tháng 06 năm 2017, Việt Nam đã ký kết các khoản vay và viện trợ không hoàn lại có giá trị khoảng 82,61 tỷ USD, trong đó vốn vay là 74,92 tỷ USD. Hiện có 810 chương trình dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, song sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017- 2020 là 17,485 tỷ USD. Trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,27 tỷ USD. Năm 2017 tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã có khả năng giải ngân khoảng 4,6 tỷ USD, nhưng 6 tháng đầu năm mới giải ngân được 1,5 tỷ USD, bằng 32,6% số vốn dự kiến giải ngân cả năm. Tốc độ như thế là chậm. Có dự án nhiều năm không giải ngân nổi khiến hàng nghìn tỷ đồng phải nằm chờ trong kho bạc.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần có ngay những giải pháp mạnh trong giải ngân nguồn vốn ngoại bởi nếu để tiến độ này tiếp tục chậm không chỉ làm tăng chi phí, phải trả lãi với những khoản vốn ngoại đi vay, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới mức độ tín nhiệm của Việt Nam khiến các nước không muốn giúp vốn ODA hoặc cho vay ưu đãi.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện các dự án ODA về vốn vay ưu đãi rà soát lại từng dự án để xử lý cụ thể, cần thiết thì có thể lập một số đoàn kiểm tra để xử lý kịp thời, báo cáo Thủ tướng, phải có những biện pháp mạnh đặc biệt đối với một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0. Cần đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục phê duyệt, ủy quyền cho phép các B, ngành, địa phương chủ động chuyển kế hoạch vốn hoặc đề nghị điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án trong tổng kế hoạch vốn được giao phù hợp với tiến độ thực hiện dự án trên tinh thần đúng thẩm quyền, ưu tiên vốn cho các dự án kết thúc năm 2017 và các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải đảm bảo giải ngân được hết số vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết theo tiến độ cuả giai đoạn 2017 – 2020, đặc biệt là năm 2017. Những nơi nào không làm được sẽ cắt vốn chứ không thể chần chừ do dự mãi được. Chủ dự án nào không làm được thì cũng nên tự rút lui. Thủ tướng đã nói như vậy tại cuộc họp mới đây bàn việc giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Những chủ dự án nào có thể tìm được nguồn vốn khác không cần ODA thì cũng nên rút lui.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập danh sách cần giải ngân trong năm 2017 mà thiếu vốn, nếu không thuộc phạm vi của Chính phủ, để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung các danh mục và cân đối bổ sung vốn ngoại trình Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất. Các Bộ, ngành địa phương cần chỉ đạo sát sao hơn nữa các cơ quan thực hiện dự án ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là những dự án theo kế hoạch sẽ kết thúc trong năm 20017- 2018, bảo đảm không gia hạn thời gian thực hiện. Hạn chế điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do nguyên nhân chủ quan, phối hợp với nhà tài trợ xây dựng, rà soát lại kế hoạch vốn hàng năm phù hợp với nhu cầu giải ngân, báo cáo bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, Bộ này sẽ nghiên cứu đề xuất bổ sung vào luật Đầu tư công về quy trình riêng áp dụng đối với dự án ODA và vay ưu đãi, nhằm tinh giản thủ tục, giảm bớt chi phí phát sinh do quy định gây ra. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới các dự án có tính chất phức tạp đặc thù như dự án đường sắt đô thị. Công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức có liên quan để đầu tư xây dựng, vận hành đường sắt đô thị tại Việt Nam. Tổng hợp thống kê suất đầu tư các dự án đường sắt đô thị trên thế giới, khu vực, quy mô mặt bằng giá để làm cơ sở cho việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các nhà tài trợ để sửa đổi các điều kiện vay vốn tại các hiệp định theo hướng nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu, tránh tình trạng chỉ định thầu không đủ năng lực như trường hợp dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, hay nhà thầu dự án nước Hưng Yên. Tất cả dự án vượt dự toán đều phải thẩm tra lại để có biện pháp xử lý đặc biệt không để kéo dài.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ban hành quy trình giả phóng mặt bằng và tái định cư các chương trình dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Quy định bắt buộc, khi thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án thì phải có kế hoạch giải phóng mặt bằng tổng thể và kế hoạch vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng. Nghiên cứu để kiến nghị bổ sung quy định ký hiệp định vay ODA và vốn vay ưu đãi khi dự án đã có kế hoạch cân đối đủ nguồn cho chi phí giải phóng mặt bằng hoặc một phần căn cứ vào tiến độ cấp vốn của nhà tài chợ.
Trên tổng thể, để giải ngân đúng kế hoạch, hiệu qủa cao các dự án vốn ODA, vốn tài trợ, vốn vay ưu đãi của các nước dành cho Việt Nam, cần phải khắc phục sự bất cập dẫn tới giải ngân chậm thuộc trách nhiệm lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể, có những vướng mắc trong sự phối hợp giữa các Bộ cùng liên đới trách nhiệm. Có làm tốt những việc nêu trên, theo đúng sự chỉ đạo cụ thể, sát thực và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì mới mong giải ngân hết số vốn ODA và vốn vay ngoại theo kế hoạch đã thông qua, để không gây khó khăn trong vay vốn ngoại, cho tăng trưởng GDP, không gây áp lực lên lạm phát và không còn gây ra ba thứ lãng phí: công trình chậm đưa vào sử dụng, tiền vay về để đấy mà nhà nước phải trả lãi, nhà thầu không có tiền để triển khai dự án, muốn khởi công xây dựng thì phải đi vay ngân hàng./.
Trung Vũ