Ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GDĐT).
Không được thu tiền xã hội hóa theo kiểu cào bằng, áp đặt
Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư có hiệu lực từ ngày 18.9.2018 thay thế Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10.9.2012.
Ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GDĐT) đã có những chia sẻ về những điểm mới của thông tư này.
Theo ông Khánh, Thông tư số 16 quy định rõ nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ. Trong đó phải đảm bảo công khai minh bạch, tài trợ phải tự nguyện, không được quy định mức thu tối thiểu, không áp đặt và cào bằng mức thu tài trợ.
Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục...
Thông tư quy định không được vận động tài trợ để chi trả các khoản liên quan đến cán bộ giáo viên nhà trường.
Tất cả các khoản thu dưới hình thức xã hội hóa, như mua sắm điều hòa, trang thiết bị trong trường học đều phải được thực hiện theo quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ.
Trong đó, đơn vị phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ trình Sở GDĐT, hoặc Phòng GDĐT phê duyệt trước khi thực hiện. Nếu phát hiện kế hoạch tài trợ không đúng quy định thì phải yêu cầu dừng ngay việc vận động tài trợ.
Việc tiếp nhận tài trợ phải thông qua tổ tiếp nhận tài trợ, gồm một số đại diện của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động tài. Nhà trường tuyệt đối không tự ý thu tiền của phụ huynh để mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất.
Ban đại diện cha mẹ không được quản lý các khoản tài trợ
Cũng theo ông Trần Tú Khánh, thông tư mới quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ đóng vai trò phối hợp, giám sát việc quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục; cử đại diện tham gia quá trình tiếp nhận tài trợ, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng các khoản tài trợ bằng hiện vật hoặc phi vật chất.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không trực tiếp đứng ra tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục. Đồng thời các khoản tài trợ phải được phản ánh trên sổ sách kế toán của đơn vị.
Lâu nay, việc thu-chi các khoản xã hội hóa trong trường học thường không có sổ sách, hóa đơn chứng từ; hoặc ban đại diện đứng ra thu tiền theo hình thức áp đặt, cào bằng khiến phụ huynh bất bình.
Ông Trần Tú Khánh hy vọng, các quy định cụ thể trên sẽ chấm dứt tình trạng ban đại diện cha mẹ học sinh tự đặt ra các khoản thu, cào bằng gây bức xúc dư luận như thời gian vừa qua.
Theo Lao động