Nhân dịp 20/10, viết về người phụ nữ tiếp lửa đam mê và truyền cảm hứng đọc sách

“Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”

Thứ sáu, 20/10/2023 08:00
(ThanhtraVietNam) - Tôi mượn ý thơ của Hoàng Trung Thông trong bài “Những cánh buồm” để đặt tên cho câu chuyện về truyền thống và sự nối tiếp ước mơ giữa hai thế hệ trong gia đình cô giáo Đặng Thị Mão - giáo viên, Chủ tịch công đoàn trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.

Tôi biết cô Mão một cách tình cờ khi nhân viên phòng trưng bày sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi được giao phụ trách thông báo cô Mão muốn liên hệ mua một số đầu sách về Bác Hồ để bổ sung cho thư viện. Từ nhân duyên gặp gỡ này, nhiều câu chuyện truyền cảm hứng thú vị được mở ra.

leftcenterrightdel

Bố cô Đặng Thị Mão và những cuốn sách quý trong gia sản sách của ông. Ông rất vui khi chúng tôi giúp ông bảo quản lại những cuốn sách cũ để giữ gìn lâu dài

Từ lời khuyên đọc sách của bố

Nhà văn Sơn Tùng trong cuốn “Mầm xanh” từng viết rằng: Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, truyền thống quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời. Anh chị em cô Mão được giáo dục thói quen đọc sách từ rất sớm. Bố cô năm nay 86 tuổi nhưng không một ngày nào bỏ đọc sách. Khi còn rất trẻ ông đã có niềm say mê đặc biệt với sách. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn, ăn không đủ no, vất vả bươn chải, ông vẫn dành dụm, tích cóp từng chút tiền nhỏ để mua sách đọc. Khi anh chị em cô Mão lớn lên đã quen với sự hiện hữu hàng ngày của sách. Ông dạy các con sách là nơi cất giữ trí tuệ, còn quý hơn tiền bạc. Nếu các con coi trọng việc đọc sách và tích lũy tri thức từ sách, bất luận làm nghề gì, đều rèn luyện được tư duy rất tốt. Anh chị em cô lớn lên cùng lời khuyên của bố. Sách như một thành viên tinh thần của gia đình, âm thầm mở ra biết bao bài học hay, bao câu chuyện thú vị. Nhiều năm trôi qua, sách trong nhà cứ nhiều dần lên và bố cô vẫn luôn nâng niu, trân trọng, giữ gìn sách như một gia sản quý. Gia sản ấy toàn là những cuốn sách đen, đóng bằng dây đồng, bằng chỉ khâu, chỉ tải từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Mỗi lần chạm tay vào trang sách xưa cũ, cô Mão cảm thấy ký ức thân thương của gia đình vẫn gần gũi quanh đây.

leftcenterrightdel

Toàn cảnh phía trước thư viện Hoa Trạng Nguyên

Bằng tình yêu bố trao lại cho mình, cô Mão đã mang sách đến các điểm trường ở vùng cao và xây dựng tủ sách cộng đồng tại nơi đây. Nhưng vẫn còn đó nỗi niềm trăn trở. Ở vị trí giáo viên đứng lớp 27 năm, cô nhận ra nhiều học sinh hiện nay đang mất dần thói quen đọc sách. Những câu hỏi làm thế nào để xây dựng văn hóa đọc, làm thế nào để sách giấy vẫn là sách truyền thống của đất nước, … cứ âm thầm vang lên trong suy nghĩ. Trong niềm ước mơ xây dựng văn hóa đọc, cô Mão còn ấp ủ mong muốn đưa sách - tài sản tinh thần cả đời bố cô đã dành dụm, giữ gìn - được trở thành di sản cho thế hệ mai sau.

Đến sự ra đời của thư viện sách cộng đồng Hoa Trạng Nguyên

Với những nỗ lực không ngừng của cô Mão cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình, thư viện Hoa Trạng Nguyên đã ra đời. Người sáng lập và điều hành thư viện là cô Đặng Thị Mão, đồng sáng lập là em gái Đặng Thị Hơn. Thư viện được xây dựng khang trang, đẹp đẽ trên mảnh đất hơn 200m2 của bố mẹ cô Mão tại thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Với số lượng sách ban đầu là 400 cuốn, Hoa Trạng Nguyên là thư viện cộng đồng miễn phí dành cho Nhân dân và con em trong làng ngoài xã. Từng góc nhỏ thư viện được trang trí bằng những sắc màu tươi sáng qua bàn tay họa sĩ của các em học sinh. Trong thư viện có một tủ sách trang trọng giới thiệu những cuốn sách đã ngả màu thời gian là gia tài quý của bố cô Mão. Ở khu vực tủ sách dành cho thiếu nhi, cô Mão treo bản nội quy Phép tắc người con. Cô mong các con đến đây không chỉ đọc sách mà còn hiểu thêm về đạo lý để mỗi lần mở trang sách là mở ra nhân cách. Thư viện có cả khu đọc sách dành cho người khiếm thị, người thích nghe sách nói qua loa phát thoại với 1.680 cuốn sách…

leftcenterrightdel

Các bạn nhỏ say mê đọc sách tại thư viện Hoa Trạng Nguyên

Có ai đó từng nói khi khát vọng đủ lớn sẽ tìm thấy đường đi. Với cô Mão, khát vọng được gieo hạt, ươm mầm trong truyền thống gia đình. Tình yêu với sách được vun đắp từ ngày thơ bé chính là cội nguồn, là mảnh đất phù sa màu mỡ để bông hoa Trạng Nguyên hôm nay vươn mình nở đẹp. Còn tôi, sau nhiều lần gặp gỡ để bàn công việc trao tặng sách từ Tủ sách Hồ Chí Minh cho thư viện Hoa Trạng Nguyên, thì nghĩ rằng: để làm điều tốt đẹp cho cộng đồng, bản thân người thực hiện có thể không nói ra nhưng cũng rất cần lòng can đảm. Bởi lẽ, trong nhịp sống mải miết, vội vàng, đôi khi làm việc tốt, người ta vẫn có chút cảm giác e dè vì thái độ dò xét của một số người xung quanh. Bản thân nữ giới khi tham gia công tác xã hội cũng phải nỗ lực nhiều hơn vì ngoài công việc phải làm, các chị còn có gia đình để yêu thương, chăm sóc. Nhưng vượt lên tất cả, với sự nỗ lực của cá nhân và sự ủng hộ tuyệt vời của gia đình nội ngoại, của chồng và các con, cô Mão đã tiến những bước dài để truyền cảm hứng về sách, về văn hóa đọc đến mọi người. Hy vọng rằng những đốm lửa nhỏ từ thư viện Hoa Trạng Nguyên theo thời gian sẽ ngày càng lan tỏa văn hóa đọc đi muôn nơi.

leftcenterrightdel

Bố mẹ và gia đình nhỏ của cô Đặng Thị Mão 

Đến Duyên Hà hôm nay, hỏi thư viện Hoa Trạng Nguyên ai cũng biết bởi đó là làn gió mới thơm lành thổi trên quê hương Thanh Trì. Mỗi ngày, bố mẹ, anh em cô Mão vẫn thay nhau đến quét dọn, chăm sóc thư viện để không gian văn hóa đọc luôn sạch đẹp. Những cây hoa bóng nước, hoa mười giờ, hoa hồng, hoa cúc khoe sắc nói cho mỗi người đến đây biết rằng cỏ cây luôn có bàn tay con người vun xới. Đứng trong không gian đẹp với sách và hoa, giữa làng quê bình yên, lộng gió bờ sông thổi lại, tôi cảm nhận được một tình yêu vô tư mà gia đình cô Mão dành cho thư viện. Từ tình yêu này, Hoa Trạng Nguyên đã có nguồn mạch trong lành để đâm chồi, nảy lộc và sẽ còn đẹp mãi với cuộc đời. Phải chăng, đem lại niềm hạnh phúc cho mọi người cũng là cách kiếm tìm hạnh phúc của chúng ta?

“Nếu là con chim, chiếc lá,

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”

(Một khúc ca, Tố Hữu)

Thu Hằng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra