Chuyện “sốt” của những người cô độc

Thứ bảy, 17/11/2012 07:45
Mấy hôm nay, cư dân mạng đang share cho nhau câu chuyện về một bà cụ ở Nhật, 87 tuổi, sống một mình với một chú mèo ở một làng quê, điều đặc biệt là cả hai đều khiếm thính nên phải nhìn vào mắt nhau để mà hiểu ý.

Câu chuyện về bà cụ sống cô độc với chú mèo được diễn tả trong cuốn sách ảnh của nhiếp ảnh gia Ihara Miyoko chụp lại cuộc sống thường ngày của bà Ihara Misao và chú mèo Fukumaru yêu quý của bà cụ đang trở thành tác phẩm “bestseller” bên Nhật.

Lạ một điều là câu chuyện không khiến người ta thấy cảm thương theo lẽ thường trước hoàn cảnh một bà cụ sống cô độc cả đời chỉ có chú mèo làm bạn mà đa phần chỉ thấy những comment ngưỡng mộ, ước ao.

Thế mới biết, con người trong xã hội hiện đại đã bắt đầu cảm thấy sợ hãi trước những xô bồ, ồn ào của cuộc sống, đã thèm khát những phút giây bình yên, trong thiên nhiên, bên một người bạn thú nhỏ, ngồi lặng yên và chẳng phải nói năng gì.

Tôi đọc hầu hết những chia sẻ trên các diễn đàn và thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì rất nhiều bạn trẻ đã biết trân trọng những khoảng khắc yên bình của cuộc sống hài hòa giữa thiên nhiên của bà cụ.


Bà giống như một nông phu của thế kỷ nào cách đây từ xa xôi lắm, khi thì làm đất, gieo hạt, vun bón cây trồng, thu hoạch mùa màng, nâng niu trân trọng từng món quà của đất trên đôi bàn tay. Và bên cạnh bà, lúc nào cũng có chú mèo làm bạn.

Nhưng tôi cũng thấy lo, lo vì cuộc sống hiện đại của chúng ta dường như bây giờ đã bỏ xa sự mộc mạc, đã làm lỡ mất của bao người cơ hội được bình yên cảm nhận những đổi thay của trời đất, của thiên nhiên mùa vụ mà yêu thương nó. Để đến bây giờ, ngắm bộ ảnh về một bà cụ từ nước Nhật xa xôi, bao người mới phát cuồng lên ước ao, khao khát.

Một thiên nhiên bình yên và tươi đẹp như thế bấy lâu nay vẫn ở bên mình, nhưng không phải ai cũng nhận ra điều đó. Tôi đi về những làng quê, bọn trẻ chỉ có một ao ước là lớn lên được ra thành phố, có đứa chưa đủ tuổi cũng lén bỏ nhà ra đi.

Tôi đi về những làng quê, hoảng sợ thấy người nông dân ngày càng phụ thuộc vào hóa chất, cứ như thể tổ tiên chúng ta ngàn đời này đã không kiếm ra cái mà ăn nếu không dựa vào phân hóa học, thuốc trừ sâu.

Những thứ rác rưởi của đời sống đô thị tràn ngập khắp nơi, thật xấu hổ khi lũ trẻ ở quê coi chuyện ngồi đắm mình trong các quán game, quán net là một biểu hiện của “văn minh”, bắt kịp người thành phố. Cha chồng tôi, một lão nông tri điền, mỗi lần tôi về thăm lại ngồi nhẩm tính, con ạ, làng này tháng này đã tăng thêm bao nhiêu người nghiện, rồi ít lâu nữa, nơi này sẽ ra sao?


Chúng ta đang chà đạp lên thiên nhiên, đang đánh đổi những cánh đồng no ấm mát lành cho những nhà máy xám xịt bê tông và sản sinh bao nhiêu chất độc gây ô nhiễm môi trường. Tất cả đang cuốn vào vòng xoáy làm thật nhiều của cải vật chất để phục vụ một đời sống tiêu thụ tham lam không biết thế nào đủ. Người ta đang học cánh đánh giá nhau bằng sự thành đạt, bằng độ dày của ví tiền chứ không phải bằng văn hóa sống và lòng kính trọng bà mẹ thiên nhiên vĩ đại.

Ngắm một bà cụ người Nhật 87 tuổi, hàng ngày được tiếp xúc với thiên nhiên, đất đai, với một chú mèo không cần giao tiếp bằng lời mà chỉ nhìn vào mắt nhau là đủ, không biết mỗi chúng ta sẽ học được điều gì cho bản thân mình? Ai dám nói đó là một cuộc sống cô độc để mà rủ lòng thương? Nếu ai đó cho rằng đó là một cuộc sống cô độc thì nên về mà thương hại cho chính mình mới phải.

Chúng ta “phát sốt” lên vì cuộc sống của bà lão, là bởi vì chính chúng ta đang là những kẻ cô độc, cô độc giữa một biển người. Vì trong biển người ấy, trong một cuộc sống ào ào như thác cuốn ấy, trong ngồn ngộn của cải vật chất ấy, chúng ta có chú mèo nào để nhìn vào mắt mà hiểu nhau hay không?

Chúng ta có được một vốc đất tơi xốp ấm mềm nào để cảm nhận thiên nhiên vĩnh cửu trên bàn tay mình hay không? Chúng ta có nắng vàng ươm và không khí trong lành, có gió hiu hiu và mưa phùn lây phây se lòng không hay chỉ đơn thuần quanh năm với nắng gắt, khói xe và bụi bặm ô nhiễm?


Cuộc sống hiện đại đang cuốn chúng ta đi như một cơn lũ. Có người cả đời chỉ cắm mặt cày tiền, không bao giờ biết một sớm gió thu về heo may se lạnh. Có người cả đời chỉ cắm mặt chen và chen lên chỗ đỉnh cao của quyền lực, không ngần ngại đạp lên đầu, lên cổ đồng loại thì liệu có bao giờ biết thương lấy một chồi non, một nụ hoa.

Có người không làm ra tiền, không bon chen được với quyền, thì sống vật vờ cả đời trong nỗi thèm khát tiền, quyền mê muội, đâu có dư thời gian mà nhìn sâu vào mắt một chú mèo và học cách hiểu nó?

Mỗi chúng ta dù có hàng triệu mối quan hệ trong xã hội cũng vẫn là một người cô độc đúng nghĩa. Chúng ta chỉ có thể tự tay xóa đi một đời sống cô độc nếu biết trân trọng mối quan hệ với thiên nhiên, với muông thú hơn là chỉ mở lòng với con người. Đó là bài học vô giá nhiều người nhận được từ câu chuyện của cụ bà hạnh phúc nhất thế gian.

       Theo Mi An

       Phunutoday

 

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra