Một số “tuyệt chiêu” đơn giản dưới đây có thể chia sẻ những băn khoăn hàng ngày của bạn, giúp bạn vừa tiết kiệm được một khoản tiền cho gia đình lại góp phần giữ gìn nguồn nước sạch.
Đánh răng: Trước tiên, bạn mở vòi nước (đừng mở hết cỡ), nhúng ướt phần chải của bàn chải rồi khoá vòi lại. Cho kem đánh răng lên bàn chải, bắt đầu vệ sinh răng miệng. Dùng một chiếc cốc, lấy vừa đủ nước để súc miệng, rửa bàn chải thay vì mở vòi cho nước chảy xối xả khi bạn đang đánh răng.
Nấu ăn: Bạn nên đặt một chậu nước nhỏ bên cạnh để sau mỗi lần cắt rau, củ, hành, tỏi…bạn thường rửa tay cho sạch. Mỗi lần nấu nướng bạn thường rửa tay khoảng 6 - 8 lần. Nếu mỗi lần như thế lại mở vòi nước thì sẽ phí phạm rất nhiều nước. Trừ khi cần làm sạch dầu mỡ, hay những vết nhựa rau quả khó sạch còn thì bạn chỉ cần nhúng tay vào chậu nước rồi lau khô bằng khăn sạch, thay vì rửa dưới vòi nhiều lần gây lãng phí nước, đồng thời tăng độ bền sử dụng của vòi nước.
Giặt quần áo: Nếu bạn giặt bằng tay, bột giặt thường rửa lâu sạch vì nhiều ba-zơ. Bạn có thể rửa tay luôn khi xả quần áo hoặc đặt một mẩu phèn chua dưới vòi nước. Cách này giúp rửa nhanh sạch, ít tốn nước. Nếu ngại phèn chua ảnh hưởng tới da tay, bạn có thể sử dụng nửa quả chanh đã vắt hết nước. Chất a-xit trong chanh giúp trung hòa ba-zơ trong bột giặt. Bạn cũng có thể mang găng cao su để hạn chế rửa tay nhiều lần.
Khi xả quần áo lần cuối, thay vì đổ chậu nước đi, bạn hãy giữ lại để làm sạch sàn nước hoặc rửa xe, lau chùi một số vật dụng khác. Bạn cũng không nên giặt quần áo hàng ngày dù bằng máy hay bằng tay vừa hại quần áo mà lại tốn nước, không tốt cho da tay. Hãy gom quần áo bẩn và giặt định kỳ mỗi tuần hai lần (riêng đồ lót cần giặt sạch hàng ngày để giữ vệ sinh). Vào ngày giặt giũ, bạn hãy gom hết khăn tắm bẩn, vỏ gối, chăn màn, găng tay, khẩu trang, áo khoác, khăn tay…để giặt cùng lúc. Cách giặt này giúp bạn tiết kiệm nước hơn giặt nhiều lần trong tuần.
Trong phòng tắm: Nếu bạn tắm bằng vòi hoa sen, hãy đặt dưới chân một chiếc chậu to và đứng vào đấy, hoặc đứng cạnh đấy. Sau mỗi lần tắm, bạn có thể tái sử dụng lượng nước này để xả bồn cầu, rửa sàn nhà tắm…
Tắm bồn tuy thư giãn hơn nhưng lại khiến bạn tốn rất nhiều nước. Bạn nên giới hạn số lần ngâm bồn trong tuần, thay vì ngâm mỗi ngày. Nếu cọ rửa phòng tắm nên làm từ cao xuống thấp. Không nên cọ sàn trước rồi mới cọ lavabo, bồn cầu. Như thế, bạn sẽ phải rửa sàn thêm một lần nữa. Chú ý tắt vòi nước lúc rửa lavabo. Bạn nhớ cọ thật kỹ càng mọi chỗ, trước khi xả nước toàn bộ cho sạch hoàn toàn.
Những điều cần lưu ý khác để tiết kiệm nước sinh hoạt. Khi tưới cây, bạn nên sử dụng vòi tưới để có thể khóa mở khi cần. Bạn nên treo khăn tắm ở chỗ thoáng mát chúng sẽ lâu bẩn hơn, sẽ chỉ cần giặt khăn một tuần một lần. Nên kết hợp rửa xe và làm sạch sân. Không cho trẻ nghịch nước trong phòng tắm một mình. Chúng sẽ mở vòi nước xối xả mà có khi chỉ tắm táp qua loa. Bạn nên dạy trẻ ý thức tiết kiệm nước từ bé. Luôn kiểm tra xem vòi nước, ống nước có bị rò rỉ không. Nếu có bạn nên đóng khóa chính và khắc phục sự cố. Đừng nghĩ vài giọt nước rỉ ra từ vòi nước là không đáng kể, “tích tiểu thành đại” mà!
VƯƠNG ANH