Đền An Biên thờ bà Lê Chân, danh tướng của Hai Bà Trưng cách đây gần hai nghìn năm vẫn được dân quanh vùng gọi bằng cái tên nôm na: Đền Bà. Đền vốn có từ thời các triều đại phong kiến xưa, chưa xác định được chính xác năm nào nhưng nền móng cho thấy quy mô xây cất khá lớn. Trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1954, nhiều lần đền bị đạn pháo đại bác của thực dân Pháp bắn sập. Theo người già ở làng Vẻn thì đây là nỗi đau, nỗi hờn khôn tả. Bởi bà Lê Chân, lúc sinh thời vốn chỉ chăm chú lo giặc tiến công phía biển, mà lập ra đất Hải Phòng (có nghĩa là đồn biên phòng phía biển) nhưng cuối cùng lại bị giặc cạn bắn sập đền. Con cháu không giữ được nước để giặc kéo đại bác trên đường lộ bắn sập đền, thật nhiều tủi hổ.
Về công đức của bà Lê Chân, sử sách nhắc nhiều, song đối với dân xã Thủy An nói chung và làng Vẻn nói riêng, bà như một vị thánh, có công dạy nghề nông trang, lại dạy con trai kiếm cung võ nghệ, con gái thêu thùa may vá. Đời sau các triều đại có sắc phong bà là Thượng đẳng phúc thần công chúa. Dân làng Vẻn thờ bà làm thành hoàng làng.
|
Tượng đài nữ tướng Lê Chân |
Về nguồn nước lạ, tương truyền có từ thời gia đình bà Lê Chân còn sinh sống ở làng Vẻn. Nguồn nước này ắt hẳn phải từ lòng đất, vọt lên đỉnh núi rồi chảy xuôi theo các thớ đá mà ra ngay bên cạnh đền. Nước ngọt đến kỳ lạ, thoang thoảng có mùi thơm của hoa, cỏ. Bà từ giữ đền, thết đãi tôi chén chè pha từ thứ nước ấy, vị chè như thơm ngon hơn. Tôi cố tình để cho chén chè thật nguội rồi nhìn ngang dưới bóng nắng để tìm váng sắt. Thấy tôi làm vậy, bà cười nói: “Nước này sạch lắm, dân ở đây còn uống trực tiếp”. Anh Nguyễn Viết Thúy, Phó chủ tịch UBND xã An Thủy, thấy tôi còn nửa tin nửa ngờ, nói: “Trong làng này cũng có một bác sĩ, ông ấy đem nước đi đo tạp chất, thì thấy độ tinh khiết đạt đến 99,7%, gần như là nước cất.”
Anh Thúy kể thêm rằng, nghe các cụ nói, nguồn nước này chưa bao giờ cạn. Bản thân anh cũng chứng kiến những năm 80 của thế kỷ trước có đợt hạn hán gay gắt, nước sông Đạm Thủy chỉ còn xâm xấp mặt bùn, nhưng dòng nước đền Bà cũng chỉ bị nhỏ dòng đi chút ít.
Dòng nước nguồn từ Đền Bà được dân làng Vẻn quý. Cũng từng có một dự án xây dựng hệ thống cấp nước đến từng nhà, xong do mặt bằng thu nhập của dân còn nghèo, và cũng vì nhiều hộ gia đình sống cách xa nhau đâm ra dự án không thành. Bao nhiều năm qua, dân làng Vẻn vẫn lấy nước này theo một cách, đó là mang thùng đi hứng.
Lễ đền An Biên diễn ra ba lần trong năm, một lần vào ngày sinh (mồng 8-2 âm lịch), một vào ngày thắng trận của Bà (rằm tháng Tám), một nữa là vào ngày hóa của Bà (25 tháng Chạp). Vào những ngày đó, người dân từ các vùng Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, đổ về rất đông. Sau lễ mọi người thường đem nước về như một món quà cho những người thân ở nhà. Tương truyền Bà thường phù hộ cho các gia đình hiếm muộn con...
Đền An Biên hiện nay là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nguyện vọng của hội đồng gia tộc họ Lê tỉnh Quảng Ninh cũng như dân xã An Thủy muốn đền được công nhận di sản cấp quốc gia. Sau khi viếng đền, thắp hương trước tượng nữ anh hùng Lê Chân, tôi cũng thưa thật với các cụ bô lão rằng, Hội thảo về bảo tồn di tích, do Viện Bảo tồn di tích vừa tổ chức, có nhắc đến nhiều tiêu chí công nhận di sản theo các cấp. Như đền An Biên đây, nhiều hạng mục được xây mới, lần phục dựng gần nhất là năm 1996 nên rất thiếu cơ sở để "vượt cấp". Tôi cũng mạnh dạn gợi ý, để nhiều người biết tới đền An Biên, phải chăng chúng ta nên xây dựng làng Vẻn và nhiều làng khác trong xã An Thủy thành làng du lịch, làng nghề... Từ đó, tự khắc du khách thập phương sẽ biết, sẽ đến Đền Bà đông đảo hơn.
Theo Lê Đông Hà
QĐND