Nâng cao văn hóa công vụ trong công chức thanh tra

Thứ ba, 01/09/2020 09:45
(ThanhtraVietNam) - Nhằm mục đích xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ trong tình hình mới hiện nay, Đảng và Chính phủ thường xuyên nghiên cứu và ban hành các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, trong đó có Đề án Văn hóa công vụ đã được Chính phủ phê duyệt.

Văn hóa công vụ được hiểu là một hệ thống những giá trị về đạo đức, trách nhiệm, kỷ luật, truyền thống, phong cách, biểu trưng, ngôn ngữ… hình thành và chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong quá trình xây dựng và phát triển nền công vụ, có khả năng lưu truyền và có tác động tới tâm lý, hành vi của người thực thi công vụ. Đó chính là các hoạt động hàng ngày, các cách làm, thói quen, nếp nghĩ được lặp đi lặp lại trong thực thi quyền lực công của cán bộ, công chức, viên chức.

Do đó để văn hóa công vụ đi vào tiềm thức, thói quen trong công việc đòi hỏi công tác xây dựng đội ngũ công chức ngành Thanh tra phải có sự thay đổi về nhận thức, quan điểm tư tưởng, phải được thể hiện trong cơ chế, chính sách, pháp luật từ khâu tuyển dụng, đào tạo và quản lý từng bước đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Có thể nói đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra là một bộ phận quan trọng của nền hành chính nhà nước nói chung và của ngành Thanh tra nói riêng. Chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức có tính chất quyết định chất lượng của nền hành chính và hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm xây dựng đội ngũ công chức ngành Thanh tra vững mạnh, chuyên nghiệp.

Hiện nay, chất lượng phần lớn đội ngũ công chức đang công tác đã được rèn luyện, thử thách. Kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ công chức từng bước được nâng cao về mọi mặt, góp phần tích cực vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn vừa qua. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tổ chức và hoạt động của các cơ quan Thanh tra nhìn chung vẫn chưa theo kịp những yêu cầu ngày càng cao của quản lý nhà nước, chưa đáp ứng hết những đòi hỏi của Đảng, nhà nước và kỳ vọng của nhân dân. Hiệu lực, hiệu quả công tác của ngành trên các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng còn hạn chế.

leftcenterrightdel
 

Thời gian qua, đã có tình trạng một số cán bộ, công chức thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của ngành, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của cán bộ, công chức thanh tra, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và uy tín của người làm công tác thanh tra và ngành Thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17/5/2019 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra.

Qua 01 năm thực hiện Chỉ thị số 769/CTT-TTCP, Thanh tra tỉnh Cà Mau đã có nhiều giải pháp như: Rà soát, sửa đổi quy chế làm việc cơ quan, đơn vị theo hướng rõ ràng và minh bạch hơn, có cơ chế kiểm soát đối với cán bộ thực thi công vụ; quán triệt Quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra; chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, của cán bộ trong thi hành công vụ; tổ chức thêm đường dây nóng và hộp thư điện tử để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp... Thanh tra  tỉnh Cà Mau đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương... Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định, những hạn chế này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân hạn chế, yếu kém về đạo đức công vụ, nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ thanh tra.

Do đó, trong tình hình mới hiện nay, cán bộ, công chức thanh tra phải thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng làm việc một cách khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác; đổi mới; sâu sát công việc; coi trọng nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật; phân tích xử lý vấn đề khách quan, công tâm, có lý, có tình, có tính thuyết phục cao, đồng thời phải giữ vững đạo đức, tác phong của cán bộ, công chức Thanh tra trước những cám dỗ có thể xảy ra./.

Ngọc Xinh

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra