Cố “diễn” để ra… tính thực tế?
Truyền hình thực tế là thể loại chương trình miêu tả thực những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện không sắp đặt trước. Khán giả sẽ thấy những thí sinh rất… thực tế ở điểm không che giấu hoàn cảnh éo le, tự do thể hiện tính cách, không ngại khóc lóc ngon lành trên sân khấu. Đó là một trong những yếu tố làm nên tính “thực tế” của chương trình. Nhưng, thời gian gần đây, đang có hiện tượng nhà sản xuất lợi dụng danh nghĩa sự thật để “lập lờ” lồng ghép, sử dụng chúng như một chiêu trò hút khách.
Thí sinh của chương trình Vietnam’s Next Top Model 2017 ném đồ, tát nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà những ngày qua, dư luận phản ứng dữ dội trước việc các người mẫu trong 2 chương trình truyền hình thực tế Vietnam’s Next Top Model và The Face có những màn hành xử bị cho là thiếu văn hóa. Cũng chưa bao giờ vấn đề thật hay diễn trong các gameshow lại được mọi người đặt ra với nhiều tranh luận như vậy.
Trong tập 4 Vietnam's Next Top Model 2017 phát sóng cuối tuần trước, hai giám khảo Võ Hoàng Yến và Nam Trung đã cãi nhau tay đôi trong phần đánh giá thí sinh. Thậm chí, Hoàng Yến còn bỏ ghế giám khảo, rời khỏi trường quay trong sự nóng giận.
Bị khán giả chỉ trích, Hoàng Yến viện dẫn vì mình thể hiện cá tính và không có những phút nóng giận như thế thì còn gì là truyền hình thực tế. Thế nhưng, khán giả lại hoài nghi, đó chỉ là diễn, chương trình sử dụng quá nhiều “tính kịch”, các giám khảo cũng được nhận vai khác nhau và cố diễn sao cho đạt vai nhất. Vì lạm dụng chiêu trò thành ra phản tác dụng và bị khán giả phản ứng.
Không chỉ mâu thuẫn giữa giám khảo, các thí sinh của chương trình này – vốn là những người mẫu - cũng có những hành xử không khác dân chợ búa - nói xấu nhau, ném đồ và thẳng tay tát vào mặt nhau.
Hay trong chương trình The Face, các huấn luyện viên cũng liên tục có những ứng xử bị cho là chưa đẹp, thiếu văn hóa, như nổi nóng, cãi vã ầm ĩ.
Những màn tranh cãi này khiến khán giả truyền hình thực sự bức xúc. Các cuộc thi người mẫu trên truyền hình bây giờ không còn là nơi tìm kiếm các tài năng cho làng thời trang Việt, mà trở thành nơi phô diễn các thói xấu như xoi mói, ghen ty... Các chương trình này cũng không đưa cho người xem nét đẹp trong nhân cách con người, từ đó gây mất thiện cảm với giới người mẫu.
Nếu thấy nhảm nhí, khán giả nên tẩy chay
Hiện nay, những cuộc thi người đẹp trên sóng truyền hình ở Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt để giành khán giả với nhiều gameshow khác như hài, ca nhạc. Để lôi kéo người xem, các nhà sản xuất thay vì nâng cao chất lượng nội dung chương trình lại đi theo hướng sử dụng scandal để tạo tranh cãi. Nhưng việc để những cảnh người mẫu thẳng tay ném đồ vào mặt nhau, cãi vã gay gắt lên sóng truyền hình đã khiến khán giả thực sự ngạc nhiên. Phải chăng vì chạy theo những thị hiếu, vì áp lực rating nên nhà sản xuất bất chấp, còn nhà đài buông lỏng khâu kiểm duyệt?
Hai giám khảo Nam Trung và Hoàng Yến liên tục tranh luận, cãi nhau căng thẳng trên truyền hình.
Vietnam's Next Top Model sau 7 mùa đã bắt đầu mất dần sức hút. Chương trình The Face, sau mùa đầu tiên gây chú ý bằng scandal của các huấn luyện viên, năm thứ hai lên sóng, khán giả cũng ngán ngẩm bởi bị “bội thực” chiêu trò. Truyền hình thực tế đang đứng trước thách thức không nhỏ khi phải làm mới mình trước đòi hỏi ngày càng cao của khán giả truyền hình. Biết là khó, nhưng không thể không thay đổi.
Thực tế đã chứng minh nhiều chương trình hài nhảm đã bị khán giả tẩy chay, thậm chí diễn viên hài cũng bị “thượng đế” sử dụng quyền này khiến không ít nghệ sĩ điêu đứng. Đối với các gameshow về người mẫu hiện nay, nếu vẫn giữ những chiêu trò này, không có gì ngoài những cảnh cãi vã, ứng xử thiếu văn hóa của dàn chân dài, việc chương trình bị khán giả tẩy chay là tất yếu.
Theo Bích Hà/Báo Lao động