NSƯT Trần Hạnh - “lão nông của màn ảnh Việt”

Thứ hai, 31/07/2017 08:55
Hẹn gặp NSƯT Trần Hạnh vào một sáng tại khu phố Trần Quý Cáp (HN), những người dân ở đây nhanh chóng chỉ ki-ốt bán hàng của con dâu ông. Ông ngồi trước ki-ốt bán hàng với dáng vẻ giản dị quen thuộc. Ngồi trò chuyện ngay tại vỉa hè trước ki-ốt, người qua đường vẫn mỉm cười thân mật “chào bác Trần Hạnh”.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ ưu tú Trần Hạnh. Ảnh: PV 

 

“Lão nông” giản dị và chuyện đời “như phim”

Câu chuyện về NSƯT Trần Hạnh dễ dàng được tìm thấy trong các bài viết trên mạng. Ra đường có nhiều người nhận ra ông là diễn viên nhưng ông thường tránh. Ông bộc bạch: “Có nhiều người ra điều ta đây là diễn viên, tôi cố gắng đội mũ sùm sụp rồi né đi. Tôi nghĩ, muốn thể hiện mình là diễn viên thì hãy thể hiện trên sân khấu. Còn trong cuộc sống thường nhật, chúng tôi cũng chỉ là những con người bình thường thôi”.

Là người Hà Nội gốc, nhưng NSƯT Trần Hạnh lại quen thuộc với khán giả trên truyền hình qua các vai diễn hiền lành, chân chất. Có khi ông hóa thân thành một “lão nông”, khi khác lại hóa thân trong những thân phận khắc khổ. Nhiều vai diễn trên truyền hình đưa “thương hiệu” của người nghệ sĩ ngoài 80 tuổi này đến gần với công chúng hơn là vai diễn trong các phim như: “Làng nổi” (vai Bí thư Đảng ủy), “Truyện cổ tích tuổi 17” (vai bố An), “Tướng về hưu” (vai bố Lài), “Người cầu may” (vai ông Khiển), “Chiếc bình tiền kiếp” (vai ông Lâm), “Hãy tha thứ cho em” (vai bố Mai), “Vệt nắng cuối trời”... Với vai diễn trong phim “Ngõ lỗ thủng”, nghệ sĩ Trần Hạnh từng được vinh danh ở hạng mục giải thưởng Cống hiến, Liên hoan truyền hình toàn quốc 2010.

Trong suốt ngót nghét 60 năm theo nghề diễn xuất, nghệ sĩ Trần Hạnh không nhớ nổi mình có bao nhiêu vai diễn trên màn ảnh cũng như trên sân khấu kịch. Có những vai diễn xuyên suốt cả bộ phim, có vai xuất hiện trong vài tập, thậm chí có những vai chỉ “lướt qua màn hình”, chẳng có tên tuổi, nhưng hình ảnh của người nghệ sĩ già với dáng hình quen thuộc, nụ cười hiền lành và chất phác ấy đến gần với công chúng hơn.

NSƯT Trần Hạnh sinh ra, lớn lên tại Hà Nội trong gia đình có cha làm việc tại nhà máy in còn mẹ là một tiểu thương. Năm ông lên 8 tuổi, cha qua đời trong một cơn đau bệnh. Từ đó, ông phải tự lập rất sớm và làm nghề đóng giày thuê trên phố Tràng Tiền để đỡ đần mẹ.

Ông kết hôn năm 23 tuổi với một cô mậu dịch viên trong cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt vào thời gian ông đi làm tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Ông và vợ có 7 người con. Năm 2011, sau 9 năm bị liệt nửa người vì một cơn tai biến mạch máu não, vợ nghệ sĩ Trần Hạnh qua đời. Hiện ông sống cùng cậu con trai út đã ngoài 40 tuổi nhưng không may bị tai nạn xe máy, hàng ngày ngồi trông hàng phụ cô con dâu.

“Hồi bà còn sống vất vả chứ. Cứ đi làm hàng ngày rồi lại về rồi trông vợ trông con. Mệt lắm! Nhưng lúc bà mất đi rồi thì quạnh quẽ. Giờ thì buồn quá nhưng làm thế nào được”, NSƯT Trần Hạnh bùi ngùi kể.

Người nghệ sĩ hào hoa trên sân khấu

Dù được khán giả nhớ tới qua các vai diễn trên truyền hình nhưng “lão nông của màn ảnh Việt” tâm sự, thứ làm ông say đắm hơn lại chính sân khấu bởi với ông đó là thánh đường, “nó nghiêm chỉnh hơn, thánh thiện hơn”.

Sự nghiệp trên sân khấu của nghệ sĩ Trần Hạnh bắt đầu từ những buổi đi tập kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên của Thành đoàn Hà Nội cùng những đồng nghiệp như NSND Đoàn Dũng, cố NSND Trọng Khôi, NSƯT Lê Mai, NSND Trần Tiến... Sau đó, người nghệ sĩ chưa từng qua trường lớp đào tạo về diễn xuất nào đầu quân cho Nhà hát kịch Hà Nội từ năm 1959 đến khi nghỉ hưu năm 1989.

Là diễn viên sân khấu kịch trong suốt 4 thập niên, ông khẳng định khả năng diễn xuất, ghi dấu ấn với nhiều vai diễn và từng giành nhiều huy chương trong các liên hoan sân khấu toàn quốc. Với những đóng góp cho sân khấu kịch, nghệ sĩ Trần Hạnh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, từ năm 1984.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Hạnh là một trong những thần tượng của lớp nghệ sĩ thành danh hiện tại. NSƯT Chí Trung - quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ từng viết: “Yêu mến chú từ những năm 80, khi cháu mới chập chững bước chân vào nghề biểu diễn. Khi đó chú đã là một trong những cây đa cây đề của ngành sân khấu. Cháu thầm học hỏi từ nơi chú lối diễn bình dị, nhẹ nhàng “diễn mà như không”. Đi làm phim vài lần, chứng kiến phong cách giản dị khiêm nhường, cháu càng học hỏi nhiều hơn từ nhân cách sống của một nghệ sĩ lớn”.

Sự nghiệp sân khấu của nghệ sĩ Trần Hạnh ghi nhiều dấu ấn với các vai diễn trong các vở “Âm mưu và tình yêu” từng được đích thân cố Tổng Bí thư Trường Chinh khen ngợi, vai diễn trong vở “Tiền tuyến gọi” giúp ông giành Huy chương vàng Liên hoan kịch Toàn quốc...…

Nhưng vai Nguyễn Trãi trong “Lam Sơn tụ nghĩa” là vai diễn để lại trong ông nhiều ấn tượng nhất. Sinh thời, nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ đã viết trong cuốn sách “Người Hà Nội” rằng, trong số 4 - 5 người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh thể hiện được phong thái hào hoa của người Hà Nội. “Vai sân khấu của tôi thì nhiều nhưng vai lớn đầu tiên là vai Nguyễn Trãi đấy. Tôi tìm hiểu kỹ về cụ, đọc tài liệu, tìm hiểu rồi tập đi tập lại, có những cảnh làm việc đến đêm cơ”, Nghệ sĩ Trần Hạnh nhớ lại.

Trong cuộc trò chuyện, ông vẫn tiếc nuối bởi những vở diễn đó nay chỉ còn trong ký ức, nhiều bức ảnh ông may mắn lưu giữ cũng đã bị thất lạc. Nói về các nghệ sĩ sân khấu thế hệ trẻ, nghệ sĩ Trần Hạnh cho biết, ông thích cách diễn của những nghệ sĩ như NSƯT Công Lý, NSND Trung Hiếu.

Theo Báo Lao động

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra