Đây là các hình thức, biện pháp các thành phố áp dụng trong phát triển du lịch mang lại hiệu quả cao được trình bày tại “Hội nghị mở rộng” trong khuôn khổ “Hội nghị thường niên Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á lần thứ XI” do UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch cùng Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á tổ chức ngày 11/10/2012 tại Hà Nội.
|
Hình trước gian trưng bày của thành phố Tô-ky-ô tại Hội nghị thường niên Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á lần thứ XI |
Những nội dung được Hội nghị đưa ra thảo luận bao gồm tuyên bố chung về phát triển châu Á; những ý kiến đã được thống nhất tại Hội nghị thường niên lần thứ XI; kết quả của Hội nghị các thành phố thành viên, chương trình, dự án chung của mỗi thành phố; những dự án quảng bá chung giữa các thành phố thành viên; thành phố tiếp theo đăng cai tổ chức hộ nghị tiếp theo là Cua-la-lăm-pua của In-đô-nê-xi-a. Đặc biệt, đại biểu của các thành phố chia sẻ, thảo luận vấn đề làm thế nào để phát triển bền vững nguồn lực du lịch, cách thức phát triển du lịch đảm bảo nét truyền thống của thành phố đó.
Một số thành phố xây dựng tốt mô hình phát triển du lịch bền vững
Nói về những thành công của việc phát triển du lịch phải kể đến thủ đô Tô-ky-ô của Nhật Bản và New Deli của Ấn Độ.
Giám đốc du lịch thành phố Tô-ky-ô cho biết sau trận động đất ở Tô-ky-ô năm 2007, lượng khách đến đây ít hơn (đến tháng 8/2012 lượng khách đạt 5,6 triệu lượt, đa phần là khách châu Á). Trước tình hình đó, thành phố đã duy trì hoạt động du lịch với việc bảo vệ những hòn đảo, nhất là việc bảo về di sản văn hóa, hoạt động văn hóa của các địa phương để làm cho du lịch địa phương phong phú, đa dạng, thu hút khách du lịch. Đồng thời, xúc tiến hoạt động du lịch sinh thái, trong đó chú ý đến việc cung cấp thông tin cho các công ty du lịch để bảo vệ loài động thực vật quý hiếm, bảo vệ môi trường, thiên nhiên.
Những kết quả mà ngành du lịch thành phố Tô-ky-ô đã đạt được là tạo được khu du lịch sinh thái với bờ biển để khách du lịch có thể xem được biểu diễn cá voi; tháng 6/2011 đảo Ogasawara được công nhận là di sản văn hóa thế giới; làm sống động hơn các khu vực chứa nước ở thành phố; xử lý hệ thống xử lý rác thải, xử lý nước trong thành phố; xây dựng các khu du lịch bên bờ sông trên cơ sở hợp tác với các công ty tự tổ chức các sự kiện; cải thiện hệ thống lưu dẫn nguồn nước trong thành phố.
Ở thành phố New Deli của Ấn Độ, một trường hợp phát triển du lịch bền vững mà thành phố đã thực hiện là Dilli Haat. Khu du lịch này kết hợp được giá trị truyền thống, giá trị văn hóa của Ấn Độ với những nét hiện đại. Kết quả là 35% du khách (hơn 6 triệu lượt người) đến Dilli Haat hàng ngày vì tất cả những tua du lịch hấp dẫn ở Ấn Độ họ đều có thể tìm thấy ở Dilli Haat.
Ngoài ra, ở khu du lịch Dilli Haat có 166 gian hàng thủ công mỹ nghệ; những nghệ sĩ tập trung ở Dilli Haat để trình diễn nghệ thuật truyền thống. Các hoạt động du lịch ở đây rất phong phú, bao gồm: những lễ hội truyền thống, festival truyền thống được tổ chức thường xuyên; có những lễ hội dành riêng cho thanh niên, phụ nữ… Tổng thể những điều kiện thuận lợi về không khí, thiên nhiên, văn hóa ở Dilli Haat đã thu hút khách du lịch và phát triển du lịch sinh thái.
Mỗi thành phố có một đặc điểm riêng có về điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa. Do đó, dựa vào thế mạnh của mình mỗi thành phố thành viên có những mô hình, phương pháp khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng du lịch trên cơ sở phát triển bền vững nguồn lực vốn có và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc./.
Hoàng Minh