Phố sách mới phải có 'cuộc chơi' mới

Thứ năm, 04/05/2017 15:19
Cảnh tấp nập trong vài ngày khai trương kể từ 1/5 chưa đủ để người ta yên tâm về tương lai của Phố Sách đầu tiên tại Hà Nội. Bởi, rất nhiều kỳ vọng đã được đặt vào không gian này, bên cạnh việc mua – bán sách thông thường.

1. Thực tế trước Phố Sách này, một "phố sách" tự phát cũng đã hình thành từ nhiều năm tại khu vực ngã tư Đinh Lễ - Nguyễn Xí và vẫn đang hoạt động rất hiệu quả trong việc bán sách. Và không phải ngẫu nhiên, trước khi Phố Sách ra đời, nhiều ý kiến đã đề nghị "nâng cấp" khu Đinh Lễ - Nguyễn Xí thành phố sách, thay vì đưa về phố 19 – 12 như hiện tại.

Thế nhưng, ít người biết, khi được Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội tham khảo ý kiến để lập đề án, nhiều đơn vị xuất bản cũng không tỏ ra mặn mà với đề xuất "nâng cấp" này. Bởi thực tế, với hệ thống các quầy sách đang vận hành tại Đinh Lễ - Nguyễn Xí, họ đã có một "kênh" phát hành khá ổn định trên thị trường và muốn mở ra hoạt động ở những khu vực khác, với những định hướng khác.

"Chủ yếu, khu Đinh Lễ - Nguyễn Xí là "tiếng nói" của các đơn vị phát hành. Còn Phố Sách mới là bộ mặt của các đơn vị xuất bản" – ông Vũ Hoàng Giang, Phó giám đốc Công ty Nhã Nam, nhận xét."Nghĩa là, bên cạnh chuyện doanh thu, cácvấn đề về quảng bá thương hiệu, tạo kênh giao tiếp với bạn đọc...cũng là mục đích của những đơn vị xuất hiện tại đây".

Theo phân tích của ông Giang, nhiều "phố sách" khác cũng đang nhen nhóm hình thành tại các khu vực đường Láng, phố Nguyễn Chí Thanh, hoặc khu vực Cầu Giấy gần Đại học Sư phạm. Do vậy, so với số tiền thuê mặt bằng và vận hành hoạt động, các nhà sách chỉ cần... hòa vốn để quảng bá được thương hiệu thì cũng đã thành công bước đầu.

Thực chất, trong đề án thành lập Phố Sách Hà Nội, Sở Thông tin & Truyền thông của thành phố cũng rất chú trọng tới vai trò tổ chức các hoạt động ra mắt sách, giao lưu giữa tác giả với độc giả... – điều mà khu vực Đinh Lễ, Nguyễn Xí khó đảm đương vì hạ tầng hạn chế.

Có nghĩa, nội hàm văn hóa và khả năng thu hút cộng đồng để trở thành một địa chỉ văn hóa mới là điểm khác biệt giữa Phố Sách này và các "phố sách" tự phát trên thành phố.

Phố sách Hà Nội vừa được khai trương vào sáng nay, 1/5, và sẽ hoạt động toàn bộ các ngày trong tuần. Như vậy, đây cũng sẽ là phố đi bộ vĩnh viễn đầu tiên tại Thủ đô.

leftcenterrightdel
 Những hoạt động thu hút cộng đồng này mới là điều làm nên đặc trưng của Phố Sách

2. Khả năng thu hút cộng đồng ấy rõ ràng phụ thuộc rất lớn vào các hoạt động mà 16 đơn vị xuất bản đang "ghi danh" tại Phố Sách trong tương lai. Và, ngay trong ngày khai mạc 1/5 vừa qua, liên tiếp 3 cuộc giao lưu với độc giả đã được NXB Kim Đồng và các công ty xuất bản Thái Hà, Huy Hoàng tổ chức. Tiếp đó, cho đến cuối tháng 6, nhiều hoạt động tương tự cũng đã được lên lịch, chẳng hạn như kỉ niệm 20 năm ngày ra mắt ấn bản Harry Potter, tổ chức giao dịch bản quyền với các đơn vị xuất bản của Anh và Nhật Bản...

"Thế nhưng, sau những hoạt động ban đầu, liệu phố sách sẽ vận hành thế nào để không trở thành một "không gian chết" giữa Hà Nội?" – ông Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Công ty sách Thái Hà, đặt câu hỏi ngay trong ngày khai mạc Phố Sách Hà Nội.

Câu hỏi của ông Hùng cũng đã được nhiều chuyên gia nhắc tới trong thời gian qua. Mở cửa trọn vẹn 365 ngày trong năm, chắc chắn 16 đơn vị xuất bản tại đây không thể đủ hoạt động để "phủ kín" khung thời gian tại Phố Sách. Và, để thu hút độc giả, không còn cách nào khác, Phố Sách phải trở thành một không gian văn hóa của cộng đồng – nơi người ta có thể đến xem sách, uống cà phê, tìm hiểu thông tin về thị trường xuất bản, hoặc thậm chí là dạo bộ và thư giãn.

"Phố Sách có quán cà phê, hàng hoa tươi, ghế nghỉ, cây thông tin điện tử,wifi và nhà vệ sinh miễn phí... Chừng đó tiện ích là khá nhiều để hình thành một không gian công cộng" - ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên kiến trúc sư trưởng Hà Nội, chia sẻ - "Nhưng, việc tổ chức giao thông để Phố Sách trở nên thân thiện, dễ tiếp cận thì còn phải bổ sung rất nhiều".

Thực tế, như người viết được chứng kiến, bãi đỗ xe hiện có ở 2 đầu Phố Sách là khá nhỏ hẹp và trở nên quá tải ngay trong ngày khai mạc. Sau khi gửi xe, du khách đều phải băng qua hai trục đường (Lý Thường Kiệt hoặc Hai Bà Trưng) để bước vào đoạn phố dài 200 mét này. Có nghĩa, việc bổ sung hệ thống đèn giao thông, điểm dừng xe bus, mở rộng bãi gữi xe... là điều chắc chắn phải làm ở Phố Sách tương lai.

Nhưng, khi đã có một Phố Sách hiện hữu, việc hoàn thiện nó theo thời gian không phải là điều bất khả thi, nếu chúng ta thật sự muốn có một không gian đích thực cho văn hóa đọc./.

Theo Cúc Đường (Thể thao & Văn hóa)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra