Phối hợp trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến Thành Nhà Hồ
Thứ sáu, 04/09/2020 15:55 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) – Từ kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông di động khảo sát, đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông mà vẫn bảo vệ khu di sản. Đồng thời, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Mới đây, Bộ TTTT đã có văn bản số 3310/BTTTT-VP về việc phối hợp trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi Thủ tướng Chính phủ sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV. Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ TTTT phối hợp với Bộ VHTTDL trả lời 01 kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa liên quan đến vấn đề viễn thông khu vực Thành Nhà Hồ.
Cụ thể, cử tri phản ánh, theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể Thành Nhà Hồ, Quyết định số 3034/2017/QĐ-UBND ngày 18/8/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới Thành Nhà Hồ quy định các công trình xây dựng không vượt quá 12m. Trong khi đó, việc cấp phép xây dựng các trạm BTS theo kỹ thuật thiết kế, đơn xin cấp phép là 36m trở lên. Vì vậy, không được cấp phép, dẫn đến hạ tầng viễn thông trên địa bàn huyện không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Một số dự án xây dựng thuộc vị trí quy hoạch Thành Nhà Hồ cũng không triển khai được. Do đó, cử tri đề nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, giải quyết đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. (ảnh internet)
Theo Bộ TTTT, việc đưa ra các quy định quản lý hoạt động xây dựng nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản đặc biệt là các di sản đã được thế giới công nhận, như Thành Nhà Hồ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc, lựa chọn một số vị trí (như vùng đệm) tạo điều kiện, cho phép các doanh nghiệp viễn thông triển khai các trạm thu phát sóng di động mới. Qua đó, vừa đảm bảo việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người dân, khách du lịch, vừa góp phần vào sự phát triển của kinh tế địa phương.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông di động khảo sát, đánh giá tình hình thực tế và đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông mà vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ khu di sản.
Đồng thời, trên cơ sở kiến nghị của cử tri, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, Sở TTTT các tỉnh, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để khảo sát các trường hợp tương tự để có đánh giá tổng thể về khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định có liên quan. Từ đó, phối hợp với Bộ VHTTDL nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp phù hợp đáp ứng nhu cầu của nhân dân./.
PV