75 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

"Sửa đổi lối làm việc” để thực hiện các nghị quyết cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay

Thứ tư, 12/10/2022 22:31
(ThanhtraVietNam) - 75 năm (kể từ tháng 10/1947) đã trôi qua nhưng tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn nóng hổi tính thời sự. Hiện nay, chúng ta đang tiếp nối tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, đến khóa XIII với nhiều nội dung về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên... Những nội dung trong tác phẩm của Bác là căn cứ để Đảng ta có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, xây dựng Đảng vững mạnh, tiếp tục đưa nước ta ngày một phát triển giàu đẹp, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Mới đọc qua tên cuốn sách, có thể nhiều người nghĩ rằng tác giả chỉ đề cập đến vấn đề sửa đổi tác phong, lề lối làm việc. Nhưng với nội dung phong phú, qua 6 mục, tác phẩm đã nêu lên và giải quyết nhiều vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách cả về lý luận và thực tiễn của Đảng cộng sản Việt Nam.

Với cảm quan cách mạng thiên tài, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên cần kiên quyết khắc phục ba loại khuyết điểm chính, đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa. Chỉ khi nào mỗi cán bộ, đảng viên khắc phục được ba căn bệnh này thì mới có khả năng thực hiện vai trò lãnh đạo nhân dân.

Người yêu cầu “Phải sửa lối làm việc của Đảng”. “Sửa đổi lối làm việc” là để  “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn” và làm “đúng”, làm “khéo”  thì “thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”. Qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác chỉ dẫn cách khắc phục các căn bệnh này là phải thông qua học tập, phê bình và tự phê bình.

Thứ nhất, một trong những việc cần phải làm ngay, nhóm giải pháp đầu tiên, là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn “Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng” thì tất yếu “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”(1). Sửa chữa khuyết điểm, theo Bác, phương pháp tốt nhất, hiệu quả nhất là “phê bình”. Từ đó Người đề ra “Cách phê bình” cho cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực hoạt động của cán bộ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm, cả khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phê bình người.” (2). Tự phê bình và phê bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều lần nhất trong tác phẩm bởi tầm quan trọng đặc biệt của nó đối với công tác xây dựng Đảng. Tự phê bình và phê bình, theo Người, là để nhận rõ ưu điểm, thấy được khuyết điểm, để từ đó mà tìm cách phát huy ưu điểm, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, để giúp nhau tiến bộ, để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn.

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc” (Ảnh: Internet)

Nắm vững nguyên tắc xây dựng Đảng và chính quyền cách mạng là lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn đề cao trách nhiệm của mình, vì đồng chí mình mà xây dựng cho chính mình và đồng chí mình, tập thể ý thức tự phê bình và phê bình như một nhu cầu bên trong, một động lực mạnh mẽ thúc đẩy cá nhân, tổ chức không ngừng phát triển. Thực tiễn cách mạng và xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã khẳng định Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên chỉ mạnh khi mà ở đó tự phê bình và phê bình trở thành nhu cầu bên trong, động lực; tự phê bình và phê bình tốt sẽ là những “liều thuốc” giải quyết triệt để những mâu thuẫn trong mỗi tổ chức và con người, nếu không thì có thể dẫn đến kìm hãm, thậm chí thủ tiêu sự phát triển, nội bộ tổ chức xảy ra mất đoàn kết.

Trong quá trình hoạt động và phát triển của Đảng đã đạt nhiều kết quả tốt trong công tác phê bình và tự phê bình. Đặc biệt, trong những năm gần đây kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, việc tự phê bình và phê bình đạt được nhiều kết quả thực chất; về nội hàm chất lượng của các tổ chức Đảng nói chung và cơ sở đảng nói riêng có bước phát triển và nâng lên về chất lượng. Nhiều tổ chức cơ sở đảng và đảng viên chuyển biến rõ nét; đồng thời, qua tự phê bình và phê bình một mặt làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch và vững mạnh hơn; cảnh báo, răn đe những đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân để tự soi, tự sửa ngày càng tiến bộ.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện cuộc vận động lớn: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các Nghị quyết về xây dựng đảng. Để đạt được mục tiêu đề ra thì giải pháp hàng đầu là tiến hành phê bình, tự phê bình mà điểm then chốt của nó là phải phê bình cho đúng như Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách đây hơn 75 năm ở trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Phê bình cho đúng cũng chính là một biểu hiện của sự thấm sâu tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong mỗi chúng ta. Bác dạy về tự phê bình và phê bình để mỗi chúng ta tự soi rọi bản thân góp phần thực hiện tốt việc “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” để hoàn thành nhiệm vụ công tác của mình với hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, việc đưa ra và thực hiện nghiêm nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng và nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách chính là nhằm “biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực” (3). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cán bộ là gốc của mọi công việc” và “không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ”(4). Theo Người, mất mát cán bộ là tổn thất lớn cho cách mạng. Chính vì thế, chúng ta càng phải quý trọng cán bộ, càng phải chú ý bảo vệ cán bộ. Đặc biệt, chúng ta phải chăm lo giữ gìn cán bộ cũ, ra sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mới, không ngừng xây dựng, củng cố, bổ sung cho Đảng một đội ngũ cán bộ hùng hậu, đủ sức tổ chức lãnh đạo toàn dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Để nhấn mạnh điều này, Người viết: "Đoàn thể ta là một đoàn thể đấu tranh. Trong cuộc tranh đấu thường hao tổn một số cán bộ quý báu. Vì vậy, chúng ta phải quý cán bộ, phải bổ sung cán bộ, phải giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới".

Thứ ba, nội dung giáo dục lý luận chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh - lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Cũng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm “lý luận phải gắn liền với thực tiễn”. Đánh giá về những hạn chế của công tác huấn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ “dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được... lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau”. Nói về việc chữa “chứng bệnh ba hoa”, Người đặc biệt phê phán bệnh “nói mênh mông”, “Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói là những việc thiết thực cho địa phương đó cần biết, cần hiểu, cần làm thì không nói đến” (thực tế, đây cũng chính là hạn chế trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay. Nội dung, chương trình, giáo trình giảng dạy - học tập thường nặng về lý luận và những kiến thức trừu tượng, khái quát ở tầm vĩ mô. Phần nói về tình hình địa phương, cơ sở, các kỹ năng giải quyết công việc thực tế thường chiếm dung lượng, thời lượng “khiêm tốn”, thậm chí chỉ là giảng dạy “lý thuyết về kỹ năng”, có phần cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tiễn). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cách khắc phục những hạn chế này “học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Vì vậy huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay được” (5). Tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” không chỉ được thực hiện nghiêm túc, kịp thời trong toàn Đảng vào thời điểm đó, cùng với thời gian, “Sửa đổi lối làm việc” đã tiếp tục được thực hiện, để xây dựng Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, thông qua Chuyên mục “Sửa đổi lối làm việc” trên Báo Sự Thật. Tuy nhiên, cùng với thời gian cũng như những thay đổi của tình hình thực tiễn, những biểu hiện thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên dường như không giảm, trái lại, ngày càng gia tăng và trở thành nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Hiện nay, công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở nước ta đã thu được những kết quả to lớn và đáng khích  lệ. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, để mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng được miễn nhiễm vi - rút “suy thoái”, “tha hóa”, việc học tập, nắm vững và thực hiện có hiệu quả những lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Sửa đổi lối làm việc” thực sự có ý nghĩa sâu sắc đối với Đảng, cán bộ, đảng viên trong cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Chú thích:

(1) - (5) - Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 5, trang 271 đến 279.

Nguyễn Văn Thanh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra