Côn Đảo hội tụ gần như đầy đủ những sản vật của các vùng miền. Những ngày đi chợ Tết, sẽ thấy khá rõ điều này. Chợ có đủ các loại, từ những chiếc lá dong, cọng rau thì là để làm bánh chưng, làm gia vị trong các món ăn của người miền Bắc hay mắm cá sặt, cá linh, cá bống kèo, rau nhút… để nấu các món ăn theo cách của người Nam bộ. Cho dù điều kiện cách trở và thời tiết khắc nghiệt, nhưng trong những ngày Tết, người dân Côn Đảo luôn làm tất cả để việc đón Tết chu đáo, thậm chí một số gia đình còn nhờ bạn bè mua bánh chưng từ TP.HCM gửi theo tàu ra Côn Đảo.
Giao thừa đến, từng đợt gió chướng rít lên ngoài khe cửa nghe thật ghê rợn, những cơn gió giật tung cát và hơi nước từ bờ biển làm rát cả người, những âm thanh dữ dội của sóng tạo nên một không gian đặc trưng trong giờ giao thừa Côn Đảo.
Đêm giao thừa, các con đường trung tâm thị trấn vắng bóng người, chỉ có gió chướng và âm thanh của sóng biển. Những ngày Tết, Côn Đảo vắng hơn mọi ngày, người dân hay nói vui “hòn đảo này sẽ nổi lên cao 10cm trong những ngày Tết”, vì phần đông các anh em làm việc nơi này đã về quê.
Mặt trời đã nhô khỏi hòn Bảy Cạnh, từng đợt gió chướng thổi rát, sương mù dày đặc trên biển… Tại Ban quản lý Di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo (Bảo tàng Côn Đảo) đã có sẵn một khu vui xuân với những trò chơi dành cho mọi lứa tuổi. Các em bé thì quay số, đua xe, người lớn thì tham gia cờ tướng, kéo co, nhảy sạp…
Dường như tôi cũng không còn chút thời gian để buồn hay vấn vương đất liền. Chúng tôi được hướng dẫn đến thăm và đón Tết cùng nhiều gia đình ở Côn Đảo. Trời càng về đêm càng lạnh, gió chướng thổi càng nhiều, chúng tôi quây quần, nhấm chút rượu Côn Đảo rồi say sưa hát trong hơi men chếnh choáng…
“Anh về, em ở lại, gửi nắng cho em, gửi gió cho em…” (Trên đỉnh tình yêu em hát, Phạm Minh Tuấn). Nhiều lần em hát cho tôi nghe bài hát này, mỗi lần nghe là một cảm xúc mới lạ. Hơn mười năm rồi mà cứ ngỡ mới hôm qua.
Theo Quốc Vỹ
Phụ nữ online