Vùng đất Bình Định có nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng cả nước như nem chợ Huyện, cua huỳnh đế, bún chả cá, rượu Bàu Đá, canh cá chua... Trong danh sách ẩm thực ở miền đất thượng võ này còn có một món dân dã nhưng ấn tượng với bao thực khách gần xa: bún rạm Phù Mỹ.
Phố huyện Phù Mỹ nằm cách TP.Quy Nhơn khoảng 60 km về hướng bắc. Người dân sống ở vùng này chủ yếu làm nghề nông, cách nấu món ăn tuy dân dã mà đậm đà, giàu hương vị.
Để có tô bún rạm Phù Mỹ thơm ngon hảo hạng, công đoạn làm bún cũng khá công phu. Hầu hết các quán bún rạm ở đây đều có một điểm chung là tự làm bún. Đầu tiên phải chọn loại gạo ngon từ những cánh đồng quê Phù Mỹ rồi ngâm nước, xay nhuyễn, gút qua túi vải, luộc sơ và để sẵn. Khi có khách, người bán chế biến bún tươi trong nồi nước sôi ngay tại chỗ, nên tô bún múc ra còn nóng hôi hổi, có cả bún và nước luộc bún mới ngon.
Hòa trong cái vị ngon nguyên chất của bún tươi, con rạm nấu bún nhất thiết phải là loại rạm tươi ngon, không qua ướp đá lạnh, thân tròn, càng to, thịt chắc, gạch nhiều được bắt từ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ) giáp với ba xã Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Thắng của huyện. Rạm bắt về ngâm nhiều nước cho sạch bùn đất rồi tách mai lấy gạch, xay nhỏ, lọc lấy nước, nấu trên lửa liu riu. Khi chín, nước rạm sánh lại sền sệt, nổi những váng mỡ màu vàng đặc cả nồi nước.
Bún rạm Phù Mỹ là sự hòa quyện giữa bún tươi và nước rạm. Trên bề mặt tô bún còn bốc hơi nghi ngút có những váng rạm vàng ươm, thơm nức mũi. Khi ăn bún rạm, ta có thể cho thêm ít chanh, ớt, vài hạt đậu phộng và rau sống. Mỗi tô bún còn được kèm theo một cái bánh tráng gạo nướng dày cộm, lúc ăn ta bẻ bánh nhỏ, cho vào tô trộn đều với gia vị. Và cứ thế bưng tô lên, vừa húp vừa ăn nóng hôi hổi, ăn ngon lành đến vã mồ hôi, ăn một tô rồi tiếp một tô nữa mới cảm nhận hết được độ thơm ngon của hương vị rạm miền quê.
Khách yêu món rạm đồng quê đến đây rất nhiều, từ bà con địa phương đến những người lãng du từ khắp mọi miền đất nước, từ trẻ con đến người lớn, từ người sang đến cả những người bình thường...
Theo ihay