Chẳng ai làm nhà hát có hình ảnh bông sen tả thực
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm tuần qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ xây dựng nhiều khu vui chơi giải trí để thu hút khách du lịch, trong đó có dự án nhà hát Hoa Sen trong khu công viên CV1 Cầu Giấy. Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 4 ha có quy mô 6 tầng, cao 54m được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước.
KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam không đánh giá cao thiết kế nhà hát hoa sen - nhà hát opera sắp xây dựng tại Hà Nội vì bắt chước hoa sen quá sống sượng. ”Việc sử dụng hình tượng hoa sen thực như thế trong kiến trúc đã là xu hướng quá cũ, giờ trong kiến trúc hiện đại, chẳng ai còn làm như vậy nữa” .
Còn theo KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc sử dụng biểu tượng trong kiến trúc đã diễn ra nhiều năm. Điều đó cũng là chuyện bình thường. Chúng ta có thể dùng biểu tượng hoa sen, nón lá, rồng… “Các công trình mang tính biểu tượng thì người ta thường phải dựa trên những hình ảnh quen thuộc nhưng khi dùng thì người ta phải khai thác cái tinh hoa, tinh thần của biểu tượng, những nét gợi lên hình ảnh bông sen, chứ chẳng ai lại làm một bông sen thật”- ông Thông nói.
“Mượn hình ảnh bông sen mà tả thực quá thì đó không phải là cách làm của kiến trúc hiện đại”, KTS Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh.
Nhà hát Hoa Sen được thiết kế với 5 bông sen nổi trên mặt nước
Xây thêm nhà hát để làm gì?
Theo KTS Nguyễn Thế Khải, hiện nay, ở Việt Nam, nhà hát chúng ta có khá nhiều và riêng ở Hà Nội, chúng ta có Trung tâm hội nghị quốc gia, Nhà hát lớn, Nhà hát chèo một số Nhà hát kịch nói, Nhà hát Âu Cơ và thực tế là hiện nay một số nhà hát vẫn “không sáng đèn”.
Vậy tại sao trong khi còn quá nhiều công trình chưa sử dụng hết công suất như thế mà chúng ta lại đi xây dựng thêm một nhà hát Hoa Sen với công suất lớn như đề xuất vừa rồi. "Bây giờ, thử hỏi các nhà hát hiện nay được bao nhiêu cái sáng đèn, hãy cho sáng đèn tất cả đi rồi hãy nghĩ đến việc làm cái mới.”, KTS Nguyễn Thế Khải nhấn mạnh.
Thêm vào đó, vào nhà hát khá đắt, và thực tế là không đắt thì sao nuôi nổi văn nghệ sĩ. Xây dựng một nhà hát Hoa Sen mấy nghìn chỗ liệu có ai vào, ai có đủ tiền vào trong khi mặt bằng kinh tế của người dân còn chưa cao. Nếu xây dựng một công trình không dành cho đại đa số quần chúng nhân dân mà chỉ để phục vụ một năm cho mấy người thì đó là quá lãng phí.
Theo đề xuất, nhà hát Hoa Sen có công suất 2.000 chỗ ngồi, tuy nhiên xung quanh nhà hát đảm bảo cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi hàng ngày. Khi hoàn thành, nhà hát này sẽ là nhà hát Hoa Sen “lớn và hiện đại nhất thủ đô”.
Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên hiệu trưởng trường ĐH Xây Dựng cho rằng, việc đầu tư cơ sở văn hóa vật chất cho người dân là điều đáng hoan nghênh, nó góp phần nâng cao mức sống cho người dân, tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội đã có rất nhiều nhà hát và thực sự là chúng hoạt động chưa hiệu quả.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cũng kiến nghị chúng ta cần phải rà soát lại các công trình văn hóa trên địa bàn thủ đô, đánh giá lại hiệu quả của các công trình này, xem thực sự những công trình này có đáp ứng được nhu cầu của người dân hay không hay việc xây dựng nó chỉ gây ra sự lãng phí, không cần thiết. “Chúng ta còn nhiều nhu cầu bức thiết hơn như xây trường học, bệnh viện… vì vậy tôi nghĩ nên xem xét cái nào quan trọng và cần thiết hơn từ đó cân nhắc việc đầu tư.”
Trong khi nhiều nhà hát trên địa bàn thủ đô còn chưa được sử dụng hết công năng thì một nhà hát mới lại được xây dựng. Trên thế giới cũng có nhiều công trình được xây dựng chỉ chủ yếu mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, công trình nhà hát Hoa Sen có đáng phải hy sinh cho cái gọi là “biểu tượng nghệ thuật không”, trong khi các kiến trúc về hoa sen đâu phải chỉ mình Việt Nam mới có.
Theo Phạm Dung - Nguyễn Hà
(Báo Lao động)