Ðánh thức tiềm năng du lịch hồ Ba Bể

Thứ sáu, 19/10/2012 06:39
Cách Hà Nội hơn 200 km, từ Thái Nguyên theo quốc lộ 3 đường đã dễ đi, đến thị trấn Phủ Thông rẽ vào đường 258 vừa được tỉnh Bắc Cạn nâng cấp, mặt đường phẳng lỳ, uốn lượn qua các sườn núi dẫn đến hồ Ba Bể. Ngồi trên xuồng lướt sóng mặt hồ, ngắm nhìn rừng núi nguyên sinh hùng vĩ, hít thở không khí mát lành, ai cũng thấy thư thái, dễ chịu sau hành trình dài.

Vẻ đẹp hoang sơ của hồ Ba Bể.

Ðộc đáo hồ trên núi

Ngồi trên xuồng máy, lướt sóng nhẹ trên hồ Ba Bể, du khách được thưởng lãm vẻ đẹp nguyên sơ của hồ nước ngọt kiến tạo tự nhiên trên vùng núi đá vôi ở độ cao 180 m so với mực nước biển. Nước hồ trong xanh, sạch là bởi được lưu thông tự nhiên, nước từ các sông Tà Han, Bó Lù và Chợ Lèng chảy vào, nước từ hồ chảy ra sông Năng ở phía bắc. Lòng hồ có độ sâu trung bình từ 17 đến 23 m, các nhà khoa học xác định là nơi cư trú của 105 loài cá nước ngọt - số lượng loài cá phong phú nhất so với các hồ khác ở nước ta, trong đó có cá cóc bụng hoa, một loài đặc hữu đến nay mới chỉ phát hiện ở hồ này.

Di chuyển trên mặt hồ đến đảo Bà Góa, một đảo núi đá giữa hồ tỏa bóng cây cổ thụ, hay đến Ao Tiên - một ao nằm giữa rừng già tĩnh mịch, ra động Puông trên dòng sông Năng, xuôi xuống thác Ðầu Ðẳng tung bọt nước trắng xóa, ngược lên động Hua Mạ huyền bí, du khách thấy hồ Ba Bể như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Phóng tầm mắt ra bốn bề, du khách thích thú với rừng nguyên sinh đặc trưng trên núi đá vôi, chiều tà có thể sẽ được chiêm ngưỡng vạc hoa, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, khỉ mặt đỏ, cày vằn, tê tê vàng... là những loài đặc hữu, trong đó có những loài bị đe dọa cấp độ toàn cầu đang cư ngụ tại đây.

Chung quanh khu vực hồ là những làng bản của người dân tộc Tày với những mái nhà sàn xinh xắn tựa lưng vào sườn núi, soi bóng xuống mặt hồ. Trên các sườn núi, xa xa là các mái nhà của đồng bào dân tộc Mông, Dao. Ðồng bào ở địa phương còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc, thói quen sinh hoạt đặc trưng, thân thiện với du khách bốn phương. Khu vực Vườn quốc gia Ba Bể với diện tích hơn mười nghìn ha, trung tâm là hồ Ba Bể với một phức hệ bao gồm hồ, sông, suối, rừng trên núi đá vôi, tạo ra vùng khí hậu điển hình, ôn hòa quanh năm, mùa hè mát mẻ. Với những giá trị nổi bật, hồ Ba Bể được công nhận là di sản ASEAN, là khu đất ngập nước (RAMSAR) thứ ba ở nước ta, gần đây được  công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Ðây sẽ là động lực để phát huy tiềm năng du lịch leo núi, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Những đầu tư ban đầu

Hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, được nâng cấp đã giúp cho du khách từ Hà Nội, Thái Nguyên lên, Cao Bằng xuống, Lạng Sơn sang hồ Ba Bể đều thuận tiện. Tuyến đường 279 thông sang tỉnh Tuyên Quang đang được mở mới, dự kiến sẽ hoàn thành trong nay mai. Tuyến đường 258 nối với quốc lộ 3 đoạn thị trấn Phủ Thông vào hồ Ba Bể trước đây bị coi là "điểm nghẽn" của du lịch hồ Ba Bể bởi sự hiểm trở, nay đã được tỉnh nâng cấp, mặt đường trải nhựa phẳng, các cua được mở rộng, đi lại an toàn, thuận lợi cho du khách. Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể Nông Thế Diễn cho biết: "Thời gian vừa qua một số dịch vụ du lịch tại hồ Ba Bể đã được cải thiện. Khách sạn, nhà nghỉ tại khu vực trung tâm vườn được nâng cấp tiện nghi; đưa đón du khách tham quan hồ, các điểm du lịch trong khu vực hồ Ba Bể bằng thuyền, xuồng bảo đảm an toàn; nhà hàng ăn uống cũng được đầu tư, nhân viên phục vụ ẩm thực được tập huấn nghiệp vụ chế biến các món ăn đặc sản bản địa". Một số hộ tại các làng, bản chung quanh hồ thời gian qua chú trọng phát triển dịch vụ du lịch tại cộng đồng. Những nỗ lực của địa phương đang từng bước đánh thức tiềm năng du lịch hồ Ba Bể, năm 2011 khoảng 30 nghìn lượt khách đến với danh thắng này.

Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến với hồ Ba Bể còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của một thắng cảnh nổi tiếng, vùng sơn thủy hữu tình. Hạn chế chủ yếu là do khai thác các sản phẩm du lịch chưa thật sự chuyên nghiệp, các dịch vụ còn đơn điệu; tuyên truyền, quảng bá rất hạn chế. Ba tỉnh dọc quốc lộ 3 là Thái Nguyên, Bắc Cạn và Cao Bằng với các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có thể hình thành tua, tuyến du lịch hấp dẫn, nhưng lại chưa có sự liên kết, phối hợp cùng khai thác có hiệu quả; riêng hồ Ba Bể chưa có sự hợp tác với các hãng lữ hành để trở thành điểm đến của khách du lịch.

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2015, mới đây Tỉnh ủy Bắc Cạn đã ban hành nghị quyết chuyên đề phát triển du lịch trên địa bàn, điểm nhấn là hồ Ba Bể; ban hành chính sách phát triển du lịch; mời tư vấn của Nhật Bản quy hoạch du lịch hồ Ba Bể làm cơ sở khuyến khích thu hút đầu tư hạ tầng du lịch ở đây. Tỉnh đang tích cực chỉ đạo hoàn thiện hệ thống giao thông đến hồ Ba Bể; tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ đi đôi với quảng bá để thắng cảnh hồ Ba Bể thật sự là một điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Theo Thế Bình

Nhân dân Online

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra