BHXH Nghệ An hướng dẫn đóng bảo hiểm theo mức mới lương mới

Thứ ba, 31/12/2019 14:26
(ThanhtraVietNam) – Kể từ ngày 01/01/2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) theo mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ.

BHXH tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn số 2941/BHXH-QLT ngày 06/12/2019 gửi Thủ trưởng các đơn vị sử dụng lao động về việc hướng dẫn thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN và cấp thẻ BHYT kể từ ngày 01/01/2020.

Theo đó, kể từ ngày 01/01/2020, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường và công việc giản đơn nhất, cụ thể:

- Mức 3.430.000 đồng/tháng/người áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên (vùng III);

- Mức 3.070.000 đồng/tháng/người áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện, thị xã còn lại thuộc tỉnh Nghệ An (vùng IV).

 Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại địa bàn đó.

 Đối với người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, thì tiền lương ghi trên hợp đồng lao động thấp nhất phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Chậm nhất đến ngày 28/02/2020, đề nghị các đơn vị sử dụng lao động hoàn thành việc điều chỉnh mức tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng năm 2020 với cơ quan BHXH trực tiếp quản lý.

Quá thời gian nên trên, nếu đơn vị chưa lập hồ sơ điều chỉnh, cơ quan BHXH sẽ tạm thời điều chỉnh mức tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn và cộng thêm 7% đối với người lao động làm công việc đã qua đào tạo cho đến khi đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ điều chỉnh mức lương tham gia theo quy định.

Cơ quan BHXH chỉ thực hiện xác nhận quá trình tham gia BHXH, BHTN và giải quyết chế độ cho người lao động sau khi đơn vị sử dụng lao động thực hiện điều chỉnh mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng nêu trên. Mọi trường hợp chậm trễ làm ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Về cấp thẻ BHYT năm 2020, cơ quan BHXH thực hiện gian hạn thẻ BHYT năm 2020, không in thẻ BHYT mới đối với những trường hợp thẻ BHYT không thay đổi thông tin, in Danh sách cấp thẻ BHYT (Mẫu D10a-TS) để chuyển trả đơn vị sử dụng lao động, đơn vị quản lý đối tượng tham gia BHYT; người tham gia tiếp tục sử dụng thẻ BHYT đã được cấp theo mã số BHXH khi đi khám chữa bệnh.

Cơ quan BHXH chỉ thực hiện cấp thẻ BHYT mới đối với những trường hợp chưa được cấp thẻ theo mã số BHXH và do thay đổi thông tin in trên thẻ BHYT: họ tên, ngày tháng năm sinh, loại đối tượng, mã hưởng, thay đổi nơi khám chữa bệnh, thời điểm đủ 5 năm liên tục./.

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra