Bình Thuận:

Cần phải có các biện pháp quyết liệt hơn nữa để đẩy lùi tham nhũng

Thứ năm, 03/09/2020 16:35
(ThanhtraVietnam)- Đó là yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức mới đây.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Từ năm 2013 đến nay, các cấp ủy Đảng đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để đẩy lùi tham nhũng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu kỹ, tập trung triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các văn bản do Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành về công tác phòng, chống tham nhũng; đổi mới phương thức tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí hành động trong đội ngũ đảng viên và quần chúng nhân dân trên cả ba mặt: Nhận thức; biện pháp phòng ngừa; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cấp ủy đảng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị của mình, nhất là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng 

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, rà soát quy trình trong hoạt động cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh tra kiểm tra ở các lĩnh vực nhạy cảm như: quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, rừng…, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám, GIS trong quản lý, quy hoạch các lĩnh vực này. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương tự nâng cao hiệu quả kiểm tra nội bộ.

Các cơ quan tố tụng 02 cấp cần xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng còn tồn đọng, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm; phải đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai, sai phạm; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản do hành vi tham nhũng gây ra.

Tại Bình Thuận, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; từ năm 2013 đến nay, tình hình tham nhũng tại địa phương được kiềm chế và ngăn chặn kịp thời. Tổng số vụ việc tham nhũng được phát hiện là 72 vụ/132 người (bình quân mỗi năm 10,29 vụ). Đến nay, đã xử lý xong 67 vụ/120 người (Trong đó: Hình sự 40 vụ/59 người với tổng mức án với tổng mức án 219 năm 09 tháng tù giam và 01 năm tù treo; kỷ luật đối với công chức, viên chức 26 vụ/58 người; không xử lý 01 vụ/ 03 người), tạm đình chỉ điều tra vụ án 01 vụ/0 bị can; đang tiếp tục xử lý 04 vụ/12 người; tổng thiệt hại (theo phán quyết của Tòa án nhân dân 02 cấp) là hơn 25.300 triệu đồng và 06 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hầu hết các vụ sai phạm tham nhũng gây thiệt hại về tài sản không lớn. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2020 chưa phát hiện vụ việc tham nhũng mới. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, tình hình tiêu cực, tham nhũng vẫn còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đền bù giải tỏa; đầu tư xây dựng cơ bản; thu - chi tài chính... Tình trạng nhũng nhiễu trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhân dân chưa được ngăn chặn triệt để.

Đình Thuyết

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra