Câu đối, nghiêm túc và dí dỏm

Thứ bảy, 29/01/2011 12:52
(Thanhtravietnam.vn) - Câu đối liên quan nhiều đến ngôn ngữ Hán Việt, có lẽ vì thế nên lớp trẻ “Tây học” ngày nay không còn mấy mặn mà. Nhưng với những người yêu thích loại hình nghệ thuật này thì câu đối  vẫn có dòng chảy riêng, đôi khi phát lộ một cách tinh tế và đầy bất ngờ.


Mấy chục năm trước, mỗi dịp xuân về hầu như tờ báo Việt Nam nào cũng có chuyên mục viết về câu đối, ra vế đối và thách đối. Gần đây những bài viết về câu đôí có vẻ như ít được quan tâm. Câu đối liên quan nhiều đến ngôn ngữ Hán Việt, có lẽ vì thế nên lớp trẻ “Tây học” ngày nay không còn mấy mặn mà. Nhưng với những người yêu thích loại hình nghệ thuật này thì câu đối vẫn có dòng  chảy riêng, đôi khi phát lộ một cách tinh tế và đầy bất ngờ. Tết Kỷ Sửu năm 2009, nhà giáo Văn Như Cương đã có hai câu đối được dư luận chú ý: “Năm Tí qua, cháy nhà vẫn chưa ra mặt chuột/Tết Sửu đến, gảy đàn liệu có vọng tai trâu”.

Ông đồ tại câu lạc  bộ thư pháp TP Hồ Chí Minh, xuân Tân Mão 2011. Ảnh PMM

Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nó
được xem là tinh hoa của văn hóa chữ Hán, đặc biệt trong hai câu thực (3&4) và hai câu luận (5&6) ở thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Qua Việt Nam, lúc đầu câu đối được dùng trong các cuộc giao tiếp giữa vua quan Việt Nam và vua quan Trung Quốc rồi dần dần được Việt hóa và phát triển mạnh. Do sự phong phú của tiếng Việt (đơn âm như tiếng Hán nhưng đa thanh, đa nghĩa) nên câu đối đã xâm nhập vào mọi sinh hoạt của đời sống xã hội. Làm gì cũng có thể ra câu đối, vế đối, từ việc trang trọng đến chuyện vui buồn, khi nghiêm túc, lúc dí dỏm, thậm chí bông phèng…Giáo sư Dương Quảng Hàm đã phân ra 11 loại câu đối theo ý nghĩa riêng như: câu đối mừng, câu đối phúng điếu, đối Tết, đối thờ, đối tự thuật, đối đề tặng, câu đối tức cảnh, câu đối chiết tự, câu đối trào phúng, câu đối tập cú (là những câu lấy chữ sẵn ở trong sách hoặc ở tục ngữ, ca dao) và  câu đối tháchCách phân loại trên cho thấy sự sáng tạo phong phú của câu đối, từ chữ Hán, chữ Nôm cho đến câu đối tiếng Viêt hiện đại.

Ảnh PMM

Có rất nhiều câu đối hay  được xếp vào hàng kinh điển. Trước hết phải kể đến câu đối chữ Hán của vua Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua đã hai lần thân chinh trên lưng ngựa đánh đuổi giặc Nguyên Mông năm 1285 và 1288:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Đất nước hai phen lao ngựa đá/ Non sông nghìn thưở vững âu vàng)


Có người hỏi tại sao vua Trần Nhân Tông không viết "Xã tắc tam hồi lao thạch mã" vì triều Trần có 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, trong đó có cuộc chiến lần thứ nhất 28 năm trước (1257) do vị vua khai quốc Trần Thái Tông (Trần Cảnh) lãnh đạo phá tan 3 vạn quân địch, góp phần làm lên hào khí Đông A? Theo chúng tôi hiểu, trong vế đối, vua Trần Nhân Tông chỉ muốn ghi lại dấu ấn cá nhân trong hai cuộc chiến do mình tham gia, nhất là cuộc chiến lần thứ 2 (1285) được cho là gian khổ ác liệt nhất, đánh tan 50 vạn quân Nguyên Mông. 


Sứ thần Đại Việt Giang Văn Minh nhà Hậu Lê, được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua). Trước vế đối đầy ngạo mạn của vua nhà Minh Sùng Trinh "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" (Cột đồng đến nay rêu đã lên xanh), Giang Văn Minh
đã đối đáp thẳng thắn trước triều đình nhà Minh: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng" (Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ). Ông bị vua Minh tức giận hành hình vào năm 1638, lúc 65 tuổi.

Ảnh PMM


Trong bài thơ “Cảm hoài” của Đặng Dung, ở các câu thực và luận cũng tạo nên 2 câu đối thể hiện ý chí sắt đá của người anh hùng muốn tận sức giúp vua nhưng tiếc thay không gặp thời thế:

Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa

 Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà

(Gặp thời  gã đồng nát cũng thành công lớn/ Thất thế bậc anh hùng cũng phải nuốt hận nhiều/ Giúp chúa những mong xoay chuyển trục đất/ Rửa binh khí ngập cả sông Ngân, không còn lối đi.

 Chu thần Cao Bá Quát, trong khi bị cảnh cùm xích trong ngục nhà Nguyễn cũng có một câu đối tự vịnh rất tài hoa, coi đế vương đều ở dưới bước chân của mình:

Một chiếc cùm lim, chân có đế
Ba vòng xích sắt bước thì vương

Nhiều người cũng cho Cao Bá Quát là tác giả của câu đối sau đây nói lên cốt cách bậc quân tử:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

(Mười năm tìm bạn như tìm thanh kiếm cổ/ Một đời chi biết cúi đầu trước hoa mai). Theo một số tài liệu thì câu đối trên là của viên tri phủ Hán Dương nhà Thanh là Ngải Tuấn tặng phó sứ bộ Việt Nam Nguyễn Tư Giản.

Bên cạnh những câu đối chữ Hán, câu đối tiếng Việt cũng đặc sắc không kém, câu đối tự vịnh nói trên của Cao Bá Quát là một ví dụ. Hai vế đối dưới đây của Đặng Trần Thường - Tướng của Chúa Nguyễn Ánh  và Ngô Thì Nhậm - Tướng của nhà Tây Sơn cũng rất nổi tiếng.

Khi Thường bắt được Ngô Thì Nhậm, ra vế đối đầy tự mãn:" Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai?". Ngô Thì Nhậm đối lại: "
Thế Chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!"

 Đặng Trần Thường tức giận vì bị khinh rẻ đã sai người dùng gậy tẩm thuốc độc đánh chết đối thủ.


Câu đối tiếng Việt hiện đại thường gặp nhiều trên các báo xuân. Như câu đối về Bác Hồ nhân dịp  kỉ niệm sáu mươi năm ngày thành lâp Đảng:

 

Trọn một đời diệt thù cứu nước, ơn Người biển cả khôn đong

Sáu mươi năm chỉ lối đưa đường, nghĩa Đảng non cao khó sánh

 

 Câu đối của bộ đội thời chống Mỹ:

 

Pháo gác trời mây trừ giặc Mỹ

Xe băng tuyến lửa mở đường xuân

 

Và câu đối Tết của kiều bào xa xứ:

 

Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người, không mất gốc,
Lung linh ánh lửa, dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn.

 

Nói về câu đối không thể không nhắc đến Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Không chỉ nổi tiếng trong thơ phú, nhất là bộ ba bài Thu vịnh,Thu ẩm và Thu điếu (Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt/ Ngõ trúc quanh co khách vắng teo...), ông còn là bậc kì tài trong việc ra câu đối bằng chữ Hán và chữ Việt. Rất nhiều câu đối của ông đã được lưu giữ và truyền tụng trong dân gian như câu đối khóc vợ:

 

Nhà chỉn nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc

Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa chạm tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm.

 

Câu đối ông viết viết giúp vợ người làm nghề thợ nhuộm khóc chồng:

 

Thiếp từ thuở lá thắm xe duyên, khi vận tía lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ

Chàng ở dưới suối vàng có thấu, vợ má hồng con răng trắng, tím gan tím ruột với ông xanh

 

Cái tài của câu đối là bên cạnh việc nói lên tâm trạng của người vợ khóc chồng, người đọc còn thấy rõ cả màu sắc của nghề thợ nhuộm. Một câu đối chữ Hán khác của ông tặng vợ góa phụ bán thịt cũng  độc đáo như thế:

 

Tứ thời, bát tiết, canh chung thủy 
Ngạn liễu, đôi bồ, dục điểm trang

 

(Bốn mùa, tám tiết luôn giữ lòng chùng thủy/ Đến bờ liễu, gò bồi cũng muốn điểm trang). Nhưng âm Việt khi đọc bỏ dấu phẩy lại nghe có cả bát tiết canh, đôi bồ dục của anh hàng thịt!

 

Ảnh PMM


Còn có khá nhiều câu đối hay của Nguyễn Công Trứ lúc còn hàn vi (Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa/Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà); của Đoàn Thị Điểm và đặc biệt của nữ sỹ Hồ Xuân Hương trong bài Chơi đu:

 

Trai đu gối hạc khom khom cật

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng

Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới

Hai hàng chân ngọc duỗi song song…

 

Bốn câu thực và luận của bài thơ tạo ra hai vế đối hay và hóm, nhất là khi đọc câu kết :”Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không” mới thấy cái tài thơ theo phong cách tục-thanh của Bà chúa thơ Nôm.

 

Khi sứ thần Trung Quốc ra vế đối ỡm ờ: “ An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh (Một tấc đất nhỏ của An Nam không có người tri kỉ cày xới) liền bị Đoàn Thị Điểm ứng khẩu: “Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất" (Bậc đại trượng phu ở phương Bắc đều  từ chỗ ấy mà ra cả)

Có một nghị viên họ Lại giàu có vì làm nghề lái lợn và rất hống hách. Ông ta xây cho mình một cái sinh phần lớn, một đêm bỗng xuất hiện đôi câu đối phía sau sinh phần:

Rực rỡ mé đường Tây, kẻ lại người qua, ca tụng sinh phần quan lớn Lại   (quan lái lợn).
Vang lừng tên đất Bắc, trên kinh dưới rái, một lòng tôn trọng cụ trong dân (rận trong cu).


N
gười ta cũng tạo ra một sân chơi bằng cách nghĩ ra những vế đối hiểm hóc rồi tự đối lấy hoặc thách người khác đối. Lối đối này thường sử dụng nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa như:

 

- Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già

- Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiếng cồngkềnh cổ lại

(Câu đối có bốn chữ : cóc cách cọc cạch đối với bốn chữ công kênh cồng kềnh)

 

- Trai Văn Cốc lên dốc bắn cò, đứng lăm le, cười khanh khách

- Gái Bát Tràng bán hàng thịt ếch, ngồi chầu chẫu, nói ương ương.

(Câu đối nghe toàn chim cốc, cò, le, khách và chẫu tràng, ếch nhái, ễnh ương)

 

Hai địa danh Hóc Môn và Gò Công khi nói ngược, nói lái cũng tạo ra một câu đối hóm hỉnh và…. chuẩn:

- Trai Hóc Môn ưa hôn móc

- Gái Gò Công thích gồng  co…

 Có một vế đối khá bông phèng nếu không nói là...ít văn hóa: " Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi?" cũng có nhiều người ứng đối: "Trai Hàng Chuối chuồi háng ra hàng chuối"  hoặc "Trai Cần Giờ giơ cần bảo cần giờ"...

Hiện nay đang tồn tại
những vế đối rất khó chưa có ai đối được hoặc đã có người đối nhưng vế đối chưa thật chuẩn như câu “Da trắng vỗ bì bạch” .

Tương truyền khi thấy  Đoàn Thị Điểm tắm, trạng Quỳnh lần khân đòi … xem, Thị Điểm giãy nảy không cho mới ra vế đối trên thách đối khiến trạng ta bị thua tẽn tò. Sau này đã có người đối lại là: “Rừng sâu mưa lâm thâm” hoặc “Nhà vàng ngồi đường hoàng”... Tiếng Hán Việt bì bạch cũng có nghĩa là da trắng, người giỏi chữ Hán Việt có thể tìm từ tương thích để đối nhưng rất khó kết hợp động từ vỗ với âm thanh bì bạch khi đang tắm….


Còn nhiều vế đối vừa thông minh vừa dí dỏm sau đây đang chờ bạn đọc đối lại:

- Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử

(Hồi hương cũng có nghĩa về quê và phụ tử cũng có nghĩa cha con, đồng thời lại là tên gọi các vị thuốc).

- Vào vụ đông trường nam bón phân bắc trồng khoai tây, sang xuân hạ quyết tâm thu hàng tấn củ. (Vế đối có đông tây nam bắc và xuân hạ thu đông)

- Pháo thủ pháo tầm xa đánh địch gần tay thủ thêm thủ pháo

- Đêm ba mươi người nhái vào bắt cóc, cóc bắt được ai, bị bắt cóc người nhái ngồi trơ mắt ếch

 - Rắn săn chuột rình chuột trên xà, canh ba chuột thử sà vào, rắn nuốt chuột không còn tí tỵ (vế đối toàn chuột và rắn).
 - Cô gái Hơ Mông bên bếp lửa

 - Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả.

 - Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò đến hàng nem chả muốn ăn.(Dò (giò), chả vừa là danh từ vừa là động từ)

Cuối cùng xin kể về một vế đối:

Một lần có người ra vế đối:”Chuồng gà kê áp chuồng vịt “. Kê áp là động từ nhưng trong tiếng Hán Việt cũng có nghĩa là gà, vịt. Nhà thơ Nguyễn Bính là người giỏi tiếng Pháp, bảo:”Câu này khó, phải dùng tiếng Tây mới đối được”. Và ông đối: “Chú chuột ra bớp chú bò” (Chính xác phải là: Chú chuột ra bớp chú trâu). Thực ra vế đối không quá khó, chẳng cần đến tiếng Tây  cũng có thể đối:”Cá diếc tức phường cá mè”. Nhà báo Thái Hòa An ở Tạp chí Thanh Tra có vế đối như sau: “ Chú chuột thử mão chú mèo” (hoặc Chú chuột thử mẹo chú mèo” và lời tự bình: Chuột với mèo vốn là kẻ thù thiên địch và lợi thế luôn thuộc về mèo. Nhưng con chuột trong vế đối này đã thành tinh (đang giỡn mặt mèo), không những biết đội mũ (mão) của mèo để cải trang mà còn biết bắt chước hành vi của mèo (mưu mẹo) để kiếm ăn và tồn tại. Vì thế Mèo mới năm Tân Mão 2011 nếu chủ quan và thiếu "kinh nghiệm công tác” thì rất dễ bị họ hàng nhà chuột dắt mũi…


 

Phạm Minh Mẫn

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra